"Sống" được bằng nghề mây tre đan
Nhiều năm trở lại đây, sản phẩm mây tre đan của Hợp tác xã (HTX) Phú Thịnh (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) đã trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ nghề này đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Bất chấp sự cạnh tranh của nhiều vật dụng công nghiệp, đồ gia dụng bằng nhựa, sứ với lợi thế giá rẻ, tiện lợi, những sản phẩm đan lát do HTX Phú Thịnh làm ra vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đến các cửa hàng đồ gia dụng, quầy hàng lưu niệm, cơ sở sản xuất rượu cần trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp nhiều sản phẩm được ra đời từ HTX này, từ chiếc bình trà, giỏ rượu cần đến khay đựng trái cây, giỏ xách… tất cả được làm một cách tỉ mỉ, công phu, các nan đan đều tay, múi lận chắc chắn nên rất được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm “made in Đắk Lắk” được tiếng đẹp và tinh xảo này không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang…
Thợ đan lát đang hoàn thành các công đoạn làm giỏ rượu cần và bình trà tại HTX Phú Thịnh. |
Thành lập từ năm 2003, đến nay HTX mây tre đan Phú Thịnh có 70 lao động theo nghề, trong đó, chiếm phần lớn là đồng bào dân tộc Êđê. Càng về cuối năm, không khí lao động tại HTX lại càng nhộn nhịp. Ông Đỗ Văn Mậu, chủ nhiệm HTX cho hay, thời điểm này đang là mùa cao điểm sản xuất hàng phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, nhất là bình trà và giỏ rượu cần. Đơn hàng về nhiều, một số khách còn sẵn sàng trả giá cao hơn để gia công sản phẩm có đầu tư nhiều về chất lượng.
Nhờ vào nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (HTX được cho phép khai thác nguyên liệu từ huyện Krông Bông), với đôi bàn tay khéo léo người thợ đã biến những thanh tre, lồ ô, mây… thành những vật dụng tiện lợi, nhiều kích cỡ, mẫu mã. Để cho ra đời một sản phẩm tinh xảo từ mây, tre như thế phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn của người thợ ngay từ khâu chọn nguyên liệu, phơi, chẻ nan, luộc hoặc sấy để mây, tre có màu đẹp tự nhiên rồi khéo léo đan nan đều tay để thành phẩm. Riêng đối với cây mây vốn có thân tròn, phía bên trong lại có lõi nên đòi hỏi người thợ phải tay nghề thật “cứng” mới có thể chẻ thành những sợi nan có độ dày, mỏng đồng đều nhau. Thêm vào đó, mây và tre là hai loại cây rất dễ bị mọt ăn nên khâu xử lý nguyên liệu cũng hết sức quan trọng. Hiện nay, việc đó cũng đỡ phần vất vả hơn khi HTX đầu tư máy cắt mây, tre, nhuộm vành để tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, giữ được lâu, bền, đẹp theo thời gian, công nghệ xử lý mối mọt cho nguyên liệu cũng thực hiện trong lò kín để luộc tạo cho sản phẩm bền, chắc và có màu trắng sáng đẹp mắt.
Theo ông Mậu, sản phẩm của HTX làm ra không bị đọng hàng, nhất là bình trà và giỏ rượu cần được tiêu thụ quanh năm. Trung bình mỗi tháng, HTX làm ra khoảng 20.000 sản phẩm và được bán ra với giá 180.000 đồng/chiếc bình trà, 6.000 đồng/giỏ rượu cần; hàng làm tới đâu, các mối hàng đến lấy đi tiêu thụ tới đó. Nhờ đó, đã tạo việc làm thường xuyên cho các chị, em với mức thu nhập tương đối ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/ tháng. Chị H’Luông Bkrông, một trong thợ gắn bó lâu năm với nghề cho hay, so với các nghề khác thì nghề đan lát cũng không quá phức tạp, lại tranh thủ được thời gian rảnh của nhiều thành viên trong gia đình phụ giúp tùy từng công đoạn. Trung bình mỗi ngày chị đan được khoảng 30 sản phẩm, buổi tối nhận thêm hàng về gia công, chồng, con cũng bắt tay vào phụ việc đan lát, kiếm thêm thu nhập, nhờ vậy, mỗi tháng thu nhập của chị từ nghề này cũng được trên dưới 3 triệu đồng.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc