Giấc mơ thương hiệu sầu riêng Krông Pắc
“Xây dựng thương hiệu nông sản vốn đã khó, với sầu riêng lại càng khó hơn do đặc thù khó thu hoạch và bảo quản của loại trái cây khó tính này; nhưng với quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, chúng tôi tin rằng con đường đi đến thương hiệu sầu riêng sẽ không còn xa”, ông Trần Đức Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc nói về triển vọng xây dựng thương hiệu sầu riêng của địa phương.
Những triệu phú sầu riêng
Krông Pắc được biết đến là một trong những vựa cà phê của Đắk Lắk gắn liền với đồn điền cà phê CADA thời Pháp thuộc, nhưng hơn 5 năm trở lại đây, khi cây cà phê đang dần già cỗi, kém hiệu quả thì sầu riêng - vốn là cây trồng xen canh trở nên nổi trội, trở thành một trong những cây trồng đem đến nguồn lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nhiều hộ dân nơi đây.
Ông Lâm Quang Tiến, thôn Tân Thành, xã Ea Yông cho biết, gia đình ông có 1 ha cà phê xen canh sầu riêng. Bình quân mỗi năm gia đình thu được gần 20 tấn sầu riêng, 2,5 tấn cà phê. So với trồng thâm canh cà phê thì trồng sầu riêng xen canh có sự tương tác hỗ trợ giữa hai loại cây nên hạn chế được sự thất thoát hơi nước, xói mòn đất và đặc biệt là lợi nhuận kinh tế cao gấp 10 lần. Tương tự, ông Bùi Huy Kỳ cũng trú thôn Tân Thành có 1 ha sầu riêng xen canh cà phê chia sẻ, gia đình mới chỉ có 50 cây sầu riêng cho thu hoạch nhưng bình quân thu về 11 - 12 tấn/năm. Trong vườn chủ yếu là giống sầu riêng DONA cơm vàng, hạt lép, vỏ mỏng nên cứ đầu mùa là thương lái tới tận vườn đặt cọc, đến vụ thu hoạch họ tự thu hái, ông chỉ việc giám sát, trợ giúp vận chuyển và cân hàng nhận tiền mà thôi. So với năm trước, năm nay giá sầu riêng tăng cao, trên 30.000 đồng/kg nên bà con nông dân lãi lớn.
Du khách tham quan vườn sầu riêng xen canh cà phê của người dân xã Ea Yông |
Vào mùa thu hoạch sầu riêng (tháng 7-9), xuôi theo Quốc lộ 26 về Nha Trang, du khách như lạc vào xứ miệt vườn miền Tây khi bắt gặp những “cánh rừng” sầu riêng bạt ngàn, trĩu chít quả. Dưới tán cây, dọc hai bên đường là những sạp hàng di động, được lắp ghép tạm bợ bằng ván gỗ, bao bạt chất đầy những quả sầu riêng chín vườn tươi ngon. Ông Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, toàn huyện hiện có hơn 400 ha sầu riêng, tập trung tại thị trấn Phước An, xã Ea Yông, Ea Kênh… với các giống cơm vàng hạt lép có phẩm cấp, chất lượng thơm ngon như DONA, Mongthong, Ri6… Năm 2015, điều kiện thời tiết khá thuận lợi, thời điểm sầu riêng ra hoa ít gặp mưa nên tỷ lệ đậu trái nhiều, sản lượng ước đạt trên 6.000 tấn. Tuy nhiên sầu riêng vốn là loại trái cây khó tính trong thu hoạch và bảo quản, hiện tại chủ yếu được xuất thô dạng nguyên trái nhưng đến nay loại cây này vẫn chưa được thị trường biết đến nhiều và chưa có đầu ra ổn định.
Hành trình xây thương hiệu
Sầu riêng là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng có khí hậu nóng ẩm, độ ẩm không khí cao, hai mùa mưa nắng rõ rệt, lượng mưa trung bình năm 2.000 mm, điển hình là khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ, Đông Nam Bộ… Trong đó, Tây Nguyên là vùng khí hậu đặc thù nên sầu riêng thường chín lệch vụ so với những vùng còn lại nên đây là một trong những lợi thế của loại trái cây này. Tuy nhiên, việc thu mua trái sầu riêng tại Krông Pắc hiện vẫn mang tính thời vụ (từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9 hằng năm), chủ yếu là do các tư thương ở các tỉnh khác đến lập điểm thu mua nên việc quản lý hoạt động của các cơ sở gặp không ít khó khăn. Còn các cơ sở thu mua sản phẩm sầu riêng là người ở địa phương chủ yếu là các điểm thu mua nhỏ lẻ, nhập lại cho các cơ sở lớn để hưởng chênh lệch giá nên nhiều cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh sản phẩm sầu riêng như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… Do đó, việc xây dựng thương hiệu, đầu ra ổn định lâu dài cho loại trái cây này đang được địa phương đẩy mạnh.
Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển công nghệ sinh học DONA-TECHNO cho biết, với đặc thù khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sầu riêng mà các nước có thế mạnh về sầu riêng không có được. Tuy nhiên, thị trường quốc tế yêu cầu rất khắt khe về trọng lượng, kích cỡ quả sầu riêng. Một quả sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu phải là vỏ mỏng, cơm dày, cơm vàng, hạt lép, trọng lượng ở mức 1,5 - 3kg. Tuy nhiên, tỷ lệ quả sầu riêng đạt chuẩn trên rất thấp nên việc bao tiêu, xuất khẩu sầu riêng rất khó khăn bởi các đối tác nước ngoài không chỉ yêu cầu khắt khe về chất lượng mà còn cần số lượng hàng hóa rất lớn, nếu không đáp ứng được thì doanh nghiệp phải bồi thường hợp đồng. Do vậy, muốn xây dựng được thương hiệu sầu riêng, tìm đầu ra ổn định lâu dài thì doanh nghiệp và nông dân phải áp dụng quy trình sản xuất khắt khe từ khâu lựa chọn đất, cách trồng, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý…
Ông Trần Đức Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện tại huyện đang đề nghị Sở NN-PTNT nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy hoạch phát triển đối với cây sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm; đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ địa phương trong việc tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm sầu riêng, tạo cơ chế thông thoáng cho các cơ sở ở trên địa bàn cũng như ở các địa phương khác đến địa bàn huyện thu mua sầu riêng; Sở Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện hướng dẫn cho huyện xây dựng thương hiệu sầu riêng nói riêng và các loại hoa quả khác trên địa bàn huyện Krông Pắc nói chung. “Xây dựng thương hiệu nông sản vốn đã khó, với sầu riêng lại càng khó hơn do đặc thù khó thu hoạch và bảo quản của loại trái cây khó tính này, nhưng với quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, chúng tôi tin rằng con đường đi đến thương hiệu sầu riêng sẽ không còn xa” - ông Vĩnh nhấn mạnh.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc