Multimedia Đọc Báo in

Giao thông đi trước mở đường

06:59, 11/02/2016

Những năm qua, hạ tầng giao thông các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng luôn được chú trọng đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và khu vực phát triển. Đặc biệt là các công trình trọng điểm mang tầm quốc gia và của tỉnh như đường Hồ Chí Minh và đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột đã và đang được triển khai, từng bước thay đổi diện mạo các tỉnh Tây Nguyên.

Đường băng tạo đà để Tây Nguyên “cất cánh”

Đường Hồ Chí Minh là một trong năm công trình trọng điểm quốc gia, được Quốc hội khóa XI thông qua chủ trương đầu tư xây dựng tại Nghị quyết 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 và Nghị quyết 66/2013/QH13 ngày 29-11-2013 điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 38. Tây Nguyên không có đường sắt, cảng biển, do đó việc đầu tư xây dựng, hoàn thành đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống đường ngang, đường hành lang Đông-Tây, kết nối các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, thông thương với 2 nước thuộc khu vực Tam giác phát triển Lào và Campuchia. Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước (trùng với Quốc lộ 14 cũ) có tổng chiều dài 663 km từ Đắk Zôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Đoạn từ Đăk Zôn đến Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) có chiều dài 110 km, được đầu tư trong giai đoạn 1 (từ năm 2000 đến năm 2007). Đoạn từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) dài 553 km, được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2, trong đó, khoảng 134 km đoạn qua đô thị các tỉnh Tây Nguyên đã hoàn thành cuối năm 2013, đầu năm 2014; dự án còn lại 419 km chia làm 11 dự án thành phần, được đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2015. Dự án qua tỉnh Đắk Lắk có tổng chiều dài 119 km, trong đó đoạn qua TP. Buôn Ma Thuột dài 23,5 km được triển khai từ năm 2009 và hoàn thành từ năm 2013. Còn lại hai dự án, đoạn từ cầu 110 (giáp tỉnh Gia Lai) đến thị xã Buôn Hồ sử dụng vốn TPCP và 25,5 km đoạn qua thị xã Buôn Hồ và huyện Cư M’gar sử dụng vốn BOT, 2 dự án này được khởi công giữa năm 2013 và hoàn thành vào cuối tháng 6-2015.

Theo thống kê của Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên), năm 2014, khi dự án đường Hồ Chí Minh mới hoàn thành được khoảng 70% khối lượng, nhưng đã tác động mạnh mẽ, là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến khu vực. Trong năm 2014 các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được 131 dự án đầu tư trong nước, trong đó có 103 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng. Cùng với đó, có 11 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng tổng số các dự án FDI trên địa bàn lên 137 dự án với tổng vốn đăng ký 870,4 triệu USD. Công tác vận động tài trợ ODA, NGO tiếp tục được quan tâm, phát huy hiệu quả... Đường Hồ Chí Minh được xem là đường băng tạo đà để Tây Nguyên phát triển. Với lợi thế này, khi tuyến đường sắp sửa hoàn thành, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3-2015. Tại Hội nghị đã có 13 dự án được trao giấy phép đầu tư, với số vốn khoảng 16.600 tỷ đồng; 15 dự án được ngân hàng ký kết với tổng số tiền 13.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 8 ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng đầu tư vốn với 17 doanh nghiệp thuộc 16 dự án, với số vốn cam kết cho vay dài hạn khoảng 15.000 tỷ đồng để tập trung sản xuất các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn Tây Nguyên. 

Đường Hồ Chí Minhđoạn qua huyện Krông Búk.
Đường Hồ Chí Minhđoạn qua huyện Krông Búk.

Với nỗ lực của các cấp từ Trung ương đến địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu thi công, công trình đã vượt tiến độ hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá, cũng như điều chỉnh thiết kế, lại sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý, công trình đã tiết giảm đầu tư được hơn 4.300 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (tổng mức đầu tư dự kiến trước đó là 10.980 tỷ đồng). Bên cạnh tăng khả năng thu hút đầu tư, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân, mở ra cơ hội giao thương, rút ngắn khoảng cách vùng miền. Người dân đi lại thuận tiện, an toàn, chi phí vận tải giảm đáng kể, góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đây cũng là yếu tố có tính quyết định để các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đăng ký kinh doanh lĩnh vực vận tải tại các tỉnh Tây Nguyên. Hiện toàn vùng có tới 44 bến xe ôtô, hoạt động trên 771 tuyến vận tải hành khách cố định, với trên 3.900 đầu xe. Riêng Đắk Lắk có 51 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, với 254 tuyến liên và nội tỉnh. Năm 2015, tỉnh có thêm 2 hãng taxi đăng ký và đã đi vào hoạt động gồm hãng Tiên Sa và Sun, nâng tổng số phương tiện taxi lên gần 900 xe. 

Trục xương sống TP. Buôn Ma Thuột

Được khởi công từ cuối tháng 9-2015, Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột (dài 6,9 km) được xem là trục xương sống của Buôn Ma Thuột, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực nội thành, hình thành khu đô thị mới hiện đại phía Đông Nam thành phố. Công trình có điểm đầu tại nút giao Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng, điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 27 với đường vào Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, trong đó 90% vốn ngân sách Trung ương và 10% vốn đối ứng của địa phương.

Giám sát thi công đường Đông Tây đoạn qua phường Tân Lập.
Giám sát thi công đường Đông Tây đoạn qua phường Tân Lập.

TP. Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm của tỉnh Đắk Lắk mà còn là  đầu mối giao thông quan trọng, đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, trung tâm kinh tế - thương mại - dịch vụ lớn  cho cả vùng Tam giác phát triển của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong tương lai. Tại đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định một chiến lược phát triển mới cho đô thị xứng đáng là một đô thị loại I - trung tâm vùng Tây Nguyên. Đồ án Quy hoạch chung đặt ra 3 chiến lược quy hoạch phát triển không gian cho thành phố, trong đó chiến lược 1 khẳng định: Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị quy tụ các điểm đầu mối giao thông và các trung tâm kinh tế, xã hội cấp vùng; gắn kết tốt giao thông đối ngoại với nhau và với mạng lưới giao thông nội thị bằng các tuyến vành đai... Trong giai đoạn hiện nay,  khi nguồn vốn đầu tư cơ bản trên cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng rất hạn chế, tất cả các nguồn vốn đều phải được cân nhắc phân tích chặt chẽ, tỉ mỉ. Với các yếu tố trên  và thực tế tiến độ đô thị hóa vùng đô thị đồi Thủy Văn và khu Trung tâm  thể dục thể thao TP. Buôn Ma Thuột, chủ đầu tư lựa chọn xây dựng tuyến đường theo giai  đoạn. Theo đó, từ 2015-2017 sẽ xây dựng tuyến đường với 6 làn (kể cả xe thô sơ, xe máy), bề rộng nền đường 70 mét, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. 

Việc đầu tư xây dựng đường Đông Tây thành phố có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông đô thị, đây là tuyến chính của trung tâm đô thị mới về phía Đông Nam, nối thẳng thành phố với Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột. Tuyến đường hình thành sẽ góp phần phát triển các quy hoạch khu đô thị mới dọc tuyến như đồi Thủy Văn, quy hoạch hồ Ea Tam, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và các trung tâm thể dục thể thao trọng điểm của Tây Nguyên với quy mô khoảng 466 ha đoạn đầu tuyến. Công trình cũng là tiền đề triển khai dự án các trung tâm thương mại, dịch vụ, ngân hàng - tài chính, trung tâm và công trình công cộng dọc 2 bên tuyến. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến trình hình thành, phát triển khu đô thị hàng không trên địa bàn xã Hòa Thắng, với quy mô khoảng 82 ha, đồng thời khai thác tốt quỹ đất dự trữ khoảng 300 - 550 ha khu vực phía Bắc sân bay cho việc hình thành các chức năng như: Dịch vụ hậu cần trung chuyển, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học - công nghệ chế biến nông lâm sản và đất phát triển đô thị trong tương lai.

Với Đắk Lắk, một địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác, giao thông chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách vùng miền, thông thương hàng hóa, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà đến với mọi miền đất nước. 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.