Multimedia Đọc Báo in

M'Đrắk vào vụ thu hoạch rộ mía nguyên liệu

11:25, 24/02/2016
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk cho biết, người dân ở đây đã bắt đầu thu hoạch mía rải rác từ tháng 1-2016, nhưng mới bắt đầu bước vào thu hoạch rộ từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân.
 
Tại cánh đồng mía bên đường Đông Trường Sơn, đoạn qua xã Krông Jing dù trời đã trưa, nhưng bà con vẫn đang hối hả chặt, thu gom mía. Tại ruộng mía của anh Y Ni K’sơ, buôn Hoang, xã Krông Jing, 20 nhân công đang tích cực chặt cho xong mấy sào mía còn lại mới nghỉ ăn trưa. Phụ nữ thì thoăn thoắt chặt, còn đàn ông thì thay nhau bó mía và tập kết thành đống chờ xe đến chở về nhà máy. Đám trẻ con cũng theo người lớn ra ruộng, đứa lớn thì phụ giúp cha mẹ, em nhỏ thì ngồi gặm mía hoặc chạy chơi tung tăng. Bên vệ đường, một chủ ruộng mía đang chuẩn bị cơm nước cho mọi người, chia sẻ: “Phải tranh thủ ăn, nghỉ trưa tại ruộng mới thu hoạch kịp thời vụ, vì để lâu mía trổ cờ và khô, sẽ bị giảm lượng đường và giá bán sẽ giảm theo”.

Ngược theo Quốc lộ 26 hướng về TP. Buôn Ma Thuột, nông dân xã Ea Pil cũng đang tất bật trên đồng mía xung quanh khu vực đồi 519 và Trại giam Đắk Tân. Gia đình lão nông Nguyễn Công Thế (thôn 2, xã Ea Pil) trồng gần 3 ha mía hiện mới thu hoạch được một phần diện tích nhỏ, ông dự tính vụ này sẽ thu được gần 250 tấn mía, với giá bán hiện nay (gần 900 đồng/kg) thì sau khi trừ chi phí cây giống, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch có thể lãi gần 100 triệu đồng. Theo ông, tuy mía bị hạn đầu vụ nhưng sau đó có mưa nhiều nên năng suất cao hơn năm trước ít nhất 1 tấn/ha, giá cũng ổn định nên bà con yên tâm thu hoạch chứ không để mía khô trên đồng do các nhà máy găm hàng như trước đây. Tuy nhiên, lo lắng của người trồng mía ở đây hiện nay là vụ thu hoạch mía kéo dài đến gần 2 tháng nữa, nên thời gian tới, khi kho bãi các nhà máy đường không còn khả năng tập kết mía thì rất dễ xảy ra tình trạng ứ đọng mía trên đồng, làm giảm chất lượng, dẫn đến thiệt thòi cho bà con, đặc biệt là những hộ thu hoạch sau.

Nông dân xã Krông Jing thu hoạch mía niên vụ 2015-2016.
Nông dân xã Krông Jing thu hoạch mía niên vụ 2015-2016.

Trong khi đó, trên các đồng mía, hàng trăm chiếc xe tải vào ra liên tục để chở mía đi các nhà máy tiêu thụ. Ông Nguyễn Hữu Cự, Trạm trưởng Trạm nông vụ M’Đrắk (Công ty TNHH MTV đường Biên Hòa) cho biết, hơn 100 xe chở mía được đơn vị hợp đồng luôn sẵn sàng có mặt trên đồng, bà con thu hoạch chừng nào thì vận chuyển luôn về nhà máy chừng nấy. Vùng nguyên liệu của Công ty tại địa phương có diện tích 4.100 ha, kế hoạch thu mua năm nay khoảng 220.000 tấn, nhưng hiện tại mới chỉ đạt 85.000 tấn, do đó, Công ty sẽ thanh toán tiền cho người dân hàng tuần để khuyến khích các hộ thu hoạch mía kịp thời vụ. Trước đó, nhằm chủ động nguyên liệu cho sản xuất, đơn vị ký hợp đồng đầu tư cho người nông dân với mức 17 – 35 triệu đồng/ha và cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá tại ruộng 900 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk cho biết, địa phương hiện có gần 6.100 ha mía, tập trung nhiều nhất tại Ea Pil (3.100 ha), Cư Prao (1.400 ha), các xã còn lại giao động từ 350 – 600 ha. Qua thống kê, toàn huyện hiện đã thu hoạch được hơn 1.000 ha, năng suất đạt hơn 70 tấn/ha. Vụ này, chủ trương của huyện là khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống mía, đưa vào trồng các giống mới năng suất, chất lượng cao, khả năng chịu hạn tốt như K 88-92, K 95-84, K 833, Uthong…; đồng thời, hình thành các tổ hợp tác trồng mía tại các xã để tăng cường liên kết giữa các hộ trồng mía và giữa người trồng mía với các nhà máy. Trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp thu mua nguyên liệu mía, do đó, địa phương cũng chú trọng việc kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các trường hợp thu mua, vận chuyển mía không đúng hợp đồng, vi phạm vùng quy hoạch mía nguyên liệu, ép giá, gây thiệt thòi cho người dân. 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.