Những người mở đường nông thôn mới
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hàng trăm tuyến đường lầy lội, nhỏ hẹp trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng thênh thang. Ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ của các cấp từ Trung ương đến địa phương, phải kể đến đóng góp rất lớn của các hộ dân trong tỉnh.
Anh nông dân tiên phong mở đường
Dẫn chúng tôi đi trên con đường liên thôn rộng rãi, sạch sẽ, ông Nguyễn Ngọc Cường, trưởng thôn 6, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) cho biết, để làm được 800 mét đường này phần lớn là nhờ đóng góp của người dân. Một trong những nông dân tiêu biểu, tiên phong cho việc mở rộng đường là anh Phan Thanh Hải. Nhà chỉ có 5 sào đất vườn và đất rẫy, thu nhập hằng năm chẳng đáng là bao, lại nuôi 3 con tuổi ăn tuổi học, thế nhưng, khi thôn phát động người dân giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền để bê tông con đường liên thôn, anh đã không chần chừ. Anh Hải kể, trước đây con đường liên thôn đi qua nhà anh chỉ rộng chừng 3 mét, việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, nông sản làm ra để vận chuyển về đến nhà phải đổ lên đổ xuống do đường nhỏ hẹp, lại lầy lội vào mùa mưa. Đã không ít lần anh chứng kiến cả xe công nông chở cà phê của người dân lật nhào ra đường, phải huy động cả vài chục người, mất hàng giờ đồng hồ mới đưa được nông sản về nhà. Từ thực tế đó, khi thôn phát động làm đường, gia đình anh tiên phong tự nguyện đập gần 80 mét bờ rào kiên cố, lùi đất vào 1,5 mét, chặt bỏ gần 20 trụ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh và đóng góp 5 triệu đồng tiền mặt. Anh chia sẻ, lùi đất chừng ấy không đáng kể, đập tường rồi có thể xây lại, nhưng với gần 20 trụ tiêu thì anh cũng thấy “xót” lắm, bởi so với giá tiêu thời điểm hiện tại, mỗi năm gia đình anh cũng mất ngót hơn 20 triệu đồng. Nghĩ đi thì có nghĩ lại, nếu chỉ vì lợi ích riêng thì con đường trước nhà biết khi nào mới được mở rộng. Với anh, chỉ mất một lần đóng góp, nhưng đổi lại người dân sẽ được hưởng nhiều lợi ích lâu dài từ con đường như nông sản làm ra, thương lái sẽ tìm đến tận nhà để mua, nhất là đất đai, nhà cửa có giá hơn nhiều. Được biết, khi đường chưa mở, đất đai khu vực này chỉ có giá từ 5-7 triệu đồng/mét, thế nhưng đường làm xong, chỉ mấy tháng sau, giá đất lên cao vùn vụt. Ngay tại mảnh vườn nhà anh Hải, có người nơi khác đến trả 20 triệu đồng/mét, nhưng anh không bán.
Ông Nguyễn Hữu Ngọ (bìa trái) trên con đường bê tông do ông và người dân trong thôn chung tay xây dựng. |
Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Cường chia sẻ, nhờ có hộ anh Hải tiên phong hiến đất, chặt bỏ cây cối, hàng chục hộ trên tuyến cũng hưởng ứng làm theo, chỉ trong vòng 1 tháng, con đường liên thôn đã hoàn thành bằng sự đồng thuận cao của người dân, với số tiền đóng góp gần 600 triệu đồng, hàng trăm ngày công lao động, hàng chục công trình kiên cố, vật kiến trúc trên đất được người dân tự nguyện tháo dỡ.
Bí thư chi bộ khéo dân vận
Năm 2013, ông Nguyễn Hữu Ngọ, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) được người dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn 10. Đó là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm vô cùng nặng nề với ông. Ông luôn khắc ghi câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhận thấy tất cả các tuyến đường trong thôn luôn trong tình trạng lầy lội vào mùa mưa, bụi bẩn vào mùa khô, giao thông đi lại khó khăn, ông có ý định vận động bà con trong thôn chung sức làm đường giao thông. Cùng với việc triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã bàn bạc với ban tự quản thôn tổ chức nhiều cuộc họp chi bộ mở rộng để thống nhất ra nghị quyết làm đường giao thông nông thôn từ sự đóng góp của người dân.
Với tinh thần trách nhiệm vì lợi ích của cộng đồng, gia đình ông Ngọ đã gương mẫu đóng góp trên 30 triệu đồng để bê tông hóa các tuyến đường nội thôn. Ông chia sẻ, là một cán bộ về hưu, đồng lương cũng chẳng dư dả gì nhiều, nhưng hiểu được giá trị của việc làm đường, ông đã tự nguyện đóng trước để bà con làm theo. Ngoài việc gương mẫu đóng góp, ông còn có công lớn trong việc vận động bà con xóm giềng góp công, góp sức để hoàn thành bê tông hóa các tuyến đường. Để việc vận động người dân được thuận lợi, ông đã có đề xuất với chi bộ cử 13 đảng viên tại các tổ có trách nhiệm đứng ra tổ chức, tuyên truyền người dân, lấy các đảng viên làm nòng cốt, còn đối với hộ nghèo, mức huy động đóng góp bằng 50% hộ dân khác. Cứ thế, theo tinh thần “Đảng viên đi trước, dân bước theo sau”, tất cả các gia đình trong thôn đều tự nguyện đóng tiền, chặt bỏ cây cối trên đất để giải tỏa mặt bằng. Chỉ trong vòng nửa tháng, số tiền huy động trong dân xấp xỉ 2 tỷ đồng, trong đó hộ ít cũng đóng từ 5-7 triệu đồng, hộ nhiều từ 20-30 triệu đồng. Đó là số kinh phí lớn nhất từ trước đến nay mà thôn huy động được. Để tiền người dân đóng góp không bị thất thoát và được sử dụng đúng mục đích, quá trình thi công đường, ngoài ban tự quản, thôn còn bầu các đảng viên, người dân uy tín cùng tham gia giám sát thi công. Chưa đầy 2 tháng sau ngày khởi công, cuối tháng 6-2015, hơn 3 km đường và 100 mét mương tiêu úng của thôn đã hoàn thành, tạo ra diện mạo hoàn toàn mới cho các khu dân cư.
Đi trên con đường bê tông phẳng lì, sạch sẽ, ông Ngọ phấn khởi: “Mình chỉ bỏ ra một lần nhưng lợi ích lâu dài, đời con cháu sẽ được hưởng thụ”. Ông dự định, khi mùa thu hoạch cà phê, tiêu của bà con kết thúc, thôn sẽ tiếp tục vận động người dân đóng góp, thực hiện bê tông hóa gần 1 km đường còn lại, hoàn thành mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn đường đất, đường bụi tại thôn 10 trong năm 2016.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc