Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân làm kinh tế giỏi ở Quảng Phú

08:54, 19/02/2016
Trong những năm qua, Hội Nông dân thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
 
Hằng năm, Hội đã phối hợp với ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp hội viên nông dân nắm bắt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác. Hội Nông dân thị trấn còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng nhằm giúp người dân có thêm nguồn đầu tư sản xuất… Từ năm 2010 đến nay, Hội đã phối hợp với Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp 283 hội viên được vay hơn 5 tỷ đồng; tín chấp với các công ty phân bón cho hội viên mua được 80 tấn phân bón các loại trị giá hàng trăm triệu đồng theo hình thức trả chậm; phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện và các doanh nghiệp tổ chức 145 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật thu hút 10.500 lượt hội viên, nông dân tham gia, thường xuyên tổ chức cho hội viên tham quan học tập các mô hình kinh tế hiệu quả...
Gia đình ông Bành Trọng Loan (phải) có thu nhập hàng trăm  triệu đồng mỗi năm từ mô hình xen canh.
Gia đình ông Bành Trọng Loan (phải) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình xen canh.

Nhờ sự hỗ trợ thiết thực như vậy, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn thị trấn Quảng Phú có điều kiện vươn lên, mạnh dạn áp dụng những hướng đi mới trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, thị trấn Quảng Phú hiện có 1.092 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (đạt 82,1% tổng số hộ đăng ký), tăng 133 hộ với với năm 2010; trong đó, có 141 hộ đạt cấp tỉnh, 275 hộ đạt cấp huyện và 676 hộ đạt cấp thị trấn.

Những năm trước đây, trên diện tích đất của gia đình, ông Trần Thành Hơn (tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú) chỉ trồng độc canh cây cà phê, chất đất lại xấu, cà phê ngày càng già cỗi dẫn đến hiệu quả thấp. Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, ông đã mạnh dạn áp dụng biện pháp xen canh hồ tiêu và bơ trong vườn cà phê. Hiện nay, với 2 ha cà phê xen tiêu và bơ, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 300 triệu đồng… Ông Hơn chia sẻ: “Việc trồng xen canh các loại cây với nhau giúp bổ sung rất nhiều các chất khoáng và PH… cho đất, vì thế vườn cây luôn phát triển xanh tốt. Hiệu quả cũng đem lại rất cao, gấp nhiều lần so với trồng độc canh cây cà phê. Có những cây bơ tôi thu gần 20 triệu đồng, còn sầu riêng mỗi cây cho năng suất trung bình từ 70 – 100 kg, với giá cả như hiện nay thì cũng mang lại nguồn thu khoảng 1,7 triệu đồng/cây. Nếu độc canh cà phê thì dù chăm sóc tốt thế nào thì cũng chỉ được 5 tấn/ha, thu nhập chỉ khoảng 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”.

Tương tự như vậy, nhận thấy việc trồng độc canh một loại cây không đem lại hiệu quả, trên diện tích 2,3 ha cà phê của gia đình, ông Bành Trọng Loan (cũng ở Tổ dân phố 8) đã đưa thêm các loại cây như: hồ tiêu, sầu riêng và bơ vào trồng xen canh. Những cây trồng này không chỉ có tác dụng che nắng, chắn gió, hạn chế được lượng nước tưới, chống được khô hạn cho cây trồng chính mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Do áp dụng tốt khoa học kỹ thuật nên vườn cây của gia đình ông phát triển xanh tốt, cho năng suất cao. Năm 2015, chỉ riêng 400 cây sầu riêng được trồng xen canh trong vườn cà phê đã mang đến cho gia đình ông thu nhập hơn 400 triệu đồng. Ông Loan cho biết: “Đất ở đây bạc màu, trồng cà phê không có hiệu quả, thời gian đầu một năm bình quân còn đạt 3 tấn/ha, sau đó vài năm giảm xuống chỉ còn 2 tấn/ha trong khi chi phí phân bón, nhân công... ngày càng tốn kém. Từ năm 1998, tôi bắt đầu thay đổi hướng làm ăn bằng cách xen canh thêm các cây ăn quả như: sầu riêng và hồ tiêu. Đến nay, trong vườn cà phê của gia đình tôi có khoảng 400 cây sầu riêng, gần 2.500 trụ tiêu, trong đó có 700 trụ đã cho thu hoạch. Thu nhập của gia đình đã tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đây”.

Trung Dũng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.