Ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị ngành nông nghiệp
Theo định hướng, nông nghiệp vẫn được xác định là ngành kinh tế chủ lực của Đắk Lắk, do đó để phát huy lợi thế ngành trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng mạnh thì việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp hiện đại.
Những thành quả bước đầu
Những năm qua, Đắk Lắk đã có những chủ trương, chính sách triển khai ứng dụng CNC trong nông nghiệp qua việc đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, từng bước thay đổi diện mạo nông nghiệp nông thôn. Một dấu ấn đáng ghi nhận là việc đưa các loại cá nước lạnh vào nuôi tại huyện Krông Bông và Lắk với hơn 414.950 con cá tầm, sản lượng hằng năm đạt khoảng 673-800 tấn. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện tại đàn cá thích ứng tốt, phát triển nhanh, chưa xuất hiện dịch bệnh và có khả năng tăng đàn trong thời gian tới. Trong lĩnh vực trồng trọt, mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng thực hiện thành công việc thử nghiệm sản xuất giống ngô biến đổi gen, có khả năng kháng sâu đục thân và thuốc trừ cỏ tại thị xã Buôn Hồ đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh tham quan mô hình thử nghiệm giống ngô biến đổi gen tại thị xã Buôn Hồ. |
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô 30 ha tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNC trên diện rộng nhằm sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất lên trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cụ thể, sẽ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên cây cà phê với diện tích 40.000 ha, hồ tiêu 3.000 ha, bơ 3.000 ha, lúa lai F1 840 ha, ngô cao sản 46.000 ha, rau an toàn 1.000 ha... Phấn đấu tỷ lệ người chăn nuôi được huấn luyện, đào tạo lên 70%, tỷ lệ số hộ có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trên 60%. Đồng thời, sử dụng các giống tiến bộ, chất lượng cao ở heo đạt trên 70%, bò trên 60%, gà trên 60%; nâng tỷ lệ chăn nuôi tập trung tại trang trại công nghiệp, bán công nghiệp so với tổng đàn heo lên 50%, gia cầm 65%; tỷ lệ các cơ sở chăn nuôi có công nghệ xử lý chất thải phù hợp đạt 50%...
Song song với đó, các hộ dân cũng từng bước đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất như xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn, tưới nước bằng hệ thống phun mưa tự động, sản xuất cà phê theo các bộ nguyên tắc quốc tế… Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập như chưa có mô hình rõ rệt về ứng dụng CNC trong sản xuất; tiềm lực khoa học công nghệ của ngành chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học còn thiếu và yếu, nhiều trang thiết bị đã cũ và lạc hậu; nhân lực làm công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhất là trong trồng trọt-lĩnh vực mũi nhọn của ngành nông nghiệp còn thiếu; chưa huy động được các nguồn vốn trong xã hội; việc triển khai đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 còn chậm do thiếu vốn đầu tư.
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh cho biết, dự kiến trong năm 2016, Dự án đầu tư xây dựng phòng nuôi cấy mô tại Trung tâm sẽ được triển khai, theo đó, sẽ xây dựng nhà nuôi cấy mô, nâng cấp trại heo hướng nạc, trại bò lai, đầu tư thêm máy chế biến lúa giống tại trại lúa giống Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thúc đẩy việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn và đưa các giống cây, con mới có chất lượng cao vào sản xuất đại trà.
Mô hình trồng hoa phong lan nghinh xuân trong nhà lưới của một hộ dân tại huyện Cư M’gar. |
Đối với cà phê, sẽ đẩy mạnh áp dụng CNC trong canh tác nhằm tăng giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu, tiếp tục thực hiện tái canh cà phê đúng quy trình kỹ thuật và tăng diện tích cà phê bền vững có chứng nhận 4C, UTZ Certified, RFA... Đặc biệt, Đắk Lắk đang triển khai “Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015; trong đó, vùng cà phê ứng dụng CNC được thực hiện với quy mô 28.000 ha đến năm 2020 và 60.000 ha đến năm 2030. Bên cạnh đó là “Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam-VNSAT” do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, trong đó, Đắk Lắk được hỗ trợ khoảng 23 triệu USD trong 4 năm 2016 – 2019 để thực hiện đổi mới phương thức quản lý canh tác và nâng cao chuỗi giá trị cho cây cà phê.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, khi lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ của 2 chương trình trên sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng CNC trong sản xuất cà phê ở địa phương trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung xây dựng vườn ươm với giá thể, vật liệu bầu tự hủy, đóng bầu tự động, sử dụng giống ghép, cao sản từng bước thay thế những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp. Đồng thời, thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất theo quy trình khép kín có chứng nhận của các tổ chức quốc tế; sử dụng phân bón sinh học, tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, ứng dụng công nghệ GIS/GPS trong quản lý dinh dưỡng; enzym trong chế biến sau thu hoạch; phát triển hệ thống kho chứa, bảo quản…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc