Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở buôn căn cứ cách mạng Ea Na

07:04, 13/03/2016

Trong những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi về thăm buôn căn cứ cách mạng Ea Na thuộc xã Ea Na, huyện Krông Ana. Nơi đây, thời chiến tranh đã bị giặc Mỹ tàn phá tan hoang, nay đã chuyển mình khoác lên một màu xanh trù phú.

Đưa chúng tôi đi thăm buôn trên con đường bê tông phẳng lỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Y Bil Êban hồ hởi: “Buôn Ea Na giờ đổi mới nhiều rồi, nhà nào cũng có xe máy cày, máy kéo. Mấy năm nay hồ tiêu, cà phê thu hoạch ổn định nên đời sống người dân đã khấm khá hơn rất nhiều…”.

 Chúng tôi tới thăm nhà ông Y Đức Kbuôr, người từng trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng huyện Krông Ana hơn 40 năm về trước. Dù đã ở tuổi xế chiều nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn. Ông kể: Lúc đó đơn vị của ông đóng quân trực tiếp tại địa bàn này. Biết được đây là vùng có nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng hoạt động nên địch điên cuồng truy lùng. Chúng bắt đồng bào trong buôn học bắn súng, làm chỉ điểm, diệt cách mạng. Nhưng bao nhiêu âm mưu thủ đoạn của giặc Mỹ không thể khuất phục niềm tin trọn vẹn mà người dân buôn Ea Na dành cho Đảng, Bác Hồ. Dân làng khi ấy bàn nhau vờ giết dê, gà lấy máu để lừa địch đã giết cán cán bộ cách mạng nhưng thực chất là để đánh lạc hướng. Từng nắm gạo, hạt muối đều được bà con san sẻ cưu mang cho các cán bộ của ta. Khi sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, bà con trong buôn rủ nhau góp gạo, trâu, bò cho bộ đội. Năm 1969, biết bà con che giấu cách mạng, địch điên cuồng tấn công, thả bom thiêu rụi cả làng, người dân phải bỏ đi nơi khác sinh sống… Sau vài phút trầm ngâm, già Y Đức tiếp lời: “Người dân buôn Ea Na có công với cách mạng lớn lắm. Nơi này từng tấc đất, từng ngọn cây không biết đã thấm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu của người dân buôn Ea Na để đổi lấy bình yên hôm hay”.

Người dân ở buôn Ea Na phát triển kinh tế từ mô hình trồng tiêu.
Người dân ở buôn Ea Na phát triển kinh tế từ mô hình trồng tiêu.

Tiếp tục câu chuyện, chúng tôi được gặp ông Ksơr Ngãi (tên thường gọi là Ama Đức) nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Na giai đoạn sau giải phóng. Từng tham gia hoạt động chính trị tại tỉnh Phú Yên, năm 1989 Ama Đức chuyển công tác lên Tây Nguyên và giữ chức danh Chủ tịch UBND xã Ea Na. Những năm sau ngày giải phóng người dân hầu như tay trắng, đất đai cằn cỗi không thể canh tác, không có điện thắp sáng, không có nước sinh hoạt nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Khi ấy, Ama Đức cùng nhân dân lại tiếp tục một cuộc chiến mới, cuộc chiến trên mặt trận kinh tế, đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Từng vùng đất mới bắt đầu được khai hoang, những ngôi nhà rơm được thay thế bằng nhà dài chắc chắn. Mảnh đất hoang hóa cằn cỗi dần phủ lên mình màu xanh lúa mới. Hơn 40 năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, diện mạo buôn căn cứ năm xưa đang đổi thay từng ngày: Đường giao thông trong buôn đã được bê tông hóa, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, các hộ dân đều có điện thắp sáng, trẻ em đến tuổi đều được đến trường, công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào được nâng lên...

Trưởng buôn Ea Na Y Nia Byă thuộc lớp cán bộ trẻ đầy năng động, cho hay: Buôn có 360 hộ, trong đó chủ yếu là người dân tộc Êđê. Dẫu còn khó khăn, nhưng cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi mới. Thay vì trồng hoa màu, người dân đã chuyển đổi thành công sang trồng các loại cây công nghiệp giá trị cao như cao cao, cà phê, hồ tiêu. Trong số những hộ dân vừa thoát nghèo ở buôn có hộ của anh Y Ter Byă. Dù sở hữu hơn 1,5 ha đất nhưng trước đây thu nhập của gia đình Y Ter vẫn bấp bênh do vườn chỉ trồng cà phê già cỗi. Qua các cuộc họp ở buôn, được gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, Y Ter mạnh dạn phá bỏ hơn nửa diện tích cà phê thay thế bằng hồ tiêu. Sau 3 năm chăm chỉ lao động,  khu vườn trồng xen cà phê, hồ tiêu của Y Ter đã bắt đầu cho thu hoạch với thu nhập 300 triệu đồng/năm. Không chỉ riêng gia đình Y Ter, nhiều hộ dân ở buôn Ea Na giờ đây đã có nhà cửa khang trang, nhiều nhà còn sắm sửa được máy gặt, máy xay, máy sấy phục vụ sản xuất. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Ông Y Bil Êban lạc quan khẳng định: “Tuy còn nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, nhân dân buôn Ea Na nói riêng và xã Ea Na nói chung, chúng tôi sẽ quyết tâm phấn đấu xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp…”.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.