Hòa Hiệp chú trọng chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế
Nông dân thôn Đông Sơn, xã Hòa Hiệp cân bán dưa hấu cho thương nhân. |
Với vỏn vẹn 5 sào lúa, cùng 500 m2 cà phê già cỗi, thu nhập của gia đình chị Phạm Thị Thúy ở thôn Đông Sơn trước đây rất bấp bênh. Nhà đông con, chi phí thuê lao động lại cao, không thể đáp ứng việc chăm sóc cây trồng nên chị Thúy quyết định vay vốn chăn nuôi heo. Ban đầu chị chỉ nuôi 4 con heo thịt, sau nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, giá heo ổn định nên chị mạnh dạn bán toàn bộ đất trồng lúa và cà phê để nhân rộng nuôi theo mô hình trang trại nhỏ. Khi bắt tay vào chăn nuôi, chị Thúy được Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, tận dụng chất thải chăn nuôi để xây dựng hầm biogas. Sau 10 năm chăm chỉ lao động, tới nay trang trại gia đình chị Thúy đã có gần 20 con heo nái và hàng chục con heo thịt. Thu nhập hằng năm từ chăn nuôi heo cho gia đình trên 100 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết chi phí. Từ một hộ dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhờ chuyển đổi hướng phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình chị Thúy đã dần khấm khá.
Với giá thành ổn định nhiều hộ dân ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Hiệp đã có thu nhập khá hơn nhờ trồng dưa hấu |
Cũng giống gia đình chị Thúy, gia đình ông Đỗ Trí Nguyên ở thôn Đông Sơn có 9 người con, thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào 7 sào lúa cùng 1ha cà phê. Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua phát triển kinh tế” của xã, nhận thấy trồng lúa 2 vụ cho lợi nhuận tối đa là 15-20 triệu /ha, trong khi đó nhiều người dân ở các vùng lân cận đã thành công nhờ chuyển trồng lúa 2 vụ sang 1 vụ, vụ còn lại cải tạo đất để trồng dưa hấu nên ông Nguyên cũng chuyển sang trồng dưa hấu. Với năng suất 3 tấn/sào cùng giá thành hiện tại 7.000 đồng/kg, lợi nhuận từ dưa hấu mang về cho gia đình ông 100 triệu đồng/ha. Ông Nguyên cho hay: “Việc trồng dưa hấu tuy có vất vả hơn trồng lúa nhưng nếu áp dụng đúng kỹ thuật lợi nhuận từ dưa ổn định hơn, ngoài ra còn giải quyết được việc làm cho nhiều lao động mùa vụ ở địa phương”. Sau khi thu hoạch dưa hấu, người dân vẫn có thể tận dụng đất để trồng bí đỏ trong khi chờ vụ lúa mới, giúp người dân tăng thêm thu nhập.
Mô hình chăn nuôi heo trang trại nhỏ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm của chị Phạm Thị Thúy ở xã Hòa Hiệp. |
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Hiệp. Ông Ngô Tấn Lễ, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững cho nhân dân, trong những năm qua, chính quyền và các hội, đoàn thể trong xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay. Hiện nay, tổng dư nợ của toàn xã Hòa Hiệp đạt gần 20 tỷ đồng. Các hoạt động khuyến nông, dạy nghề tiếp tục được đẩy mạnh giúp người vay vốn biết cách sử dụng hiệu quả. Song song với đó, trong năm 2015, chính quyền xã đã phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cùng các cơ sở đào tạo và dạy nghề giải quyết việc làm cho 227 lao động, đào tạo nghề cho 125 đối tượng. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, xã cũng chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực tìm các giải pháp phát triển kinh tế như quy hoạch vùng phát triển sản xuất, định hướng chăn nuôi, trồng các loại cây, nuôi các loại con mang lại giá trị kinh tế cao. Tới nay, thu nhập bình quân đầu người tại địa phương đạt 26,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,57%.
Theo ông Ngô Tấn Lễ, thời gian tới xã sẽ tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có thế mạnh như: chăn nuôi heo theo mô hình trang trại vừa và nhỏ, chăn nuôi bò sinh sản… Đối với những vùng sản xuất lúa kém năng suất, xã sẽ vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và giống mới cho năng suất cao, có tiềm năng phát triển và sức cạnh tranh.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc