Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: "Đỏ mắt" tìm nước tưới cứu cây trồng

08:48, 28/03/2016

Nắng nóng kéo dài khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Krông Năng thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn héc-ta cây trồng bị thiếu nước. Người dân ở đây đang quay quắt trong cơn đại hạn để tìm nguồn nước sinh hoạt và cứu cây trồng.

Krông Năng có diện tích cây công nghiệp dài ngày lớn với khoảng 30.000 ha (trong đó chủ yếu là cà phê với khoảng 25.000 ha) nên nhu cầu về nước tưới trong mùa khô rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nước tưới cho những diện tích này từ các công trình thủy lợi chỉ đáp ứng 25%, từ các giếng đào, giếng khoan 25%, 50% diện tích còn lại dựa vào nguồn nước tự nhiên trên sông Krông Năng. Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, đến nay, trong số 92 công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho 5.844 ha cà phê, 670 ha lúa vụ đông xuân, 80 ha hoa màu đã có 22 hồ chứa bị khô cạn, 45 hồ mực nước chỉ còn khoảng 30-40%, 25 công trình mực nước chỉ còn 50%. Hệ thống các giếng đào, giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới cho cây trồng của địa phương đến nay mực nước giảm còn 30-40%.

Sông Krông Năng đoạn qua địa phận xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) đã cạn trơ đáy.
Sông Krông Năng đoạn qua địa phận xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) đã cạn trơ đáy.

Riêng dòng sông Krông Năng chảy qua các xã Dliê Ya, Cư Klông, Ea Tam,  Tam Giang, Ea Dah, thị trấn Krông Năng và xã Phú Xuân đã cung cấp nguồn nước tưới cho khoảng 50% diện tích cây trồng của huyện. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, dòng sông này đã cạn trơ đáy. Lội bộ cả tiếng đồng hồ trên lòng sông, khó khăn lắm chúng tôi mới bắt gặp những vũng nước hiếm hoi còn đọng lại, ở đó, người dân đặt chi chít những máy bơm để vét nốt những giọt nước ít ỏi còn sót lại cứu cây trồng. Hai bên bờ sông, không khó để nhìn thấy những dàn máy khoan đang nổ máy inh ỏi để khoan giếng tìm nước. Người dân ở đây cho biết, mấy năm gần đây, sông Krông Năng tuy bị khô cạn nhưng vẫn còn nước tưới đợt 3 cho cây cà phê, nhưng năm nay, thời tiết biến đổi bất thường, mới tưới được đợt 1 nước đã bắt đầu cạn, đến đợt 2 thì không còn đủ nước để tưới.

Ngồi trên lòng sông trơ đáy dưới cái nắng thiêu đốt để chờ nước tưới, anh Nguyễn Trường Giang (thôn Xuân Long xã Phú Xuân) cho hay, gia đình anh có 2,5 ha cà phê nằm sát sông, năm nay sông cạn sớm nên mới bắt đầu tưới 2 đợt đã không còn đủ nước. Mấy hôm nay anh phải thức đêm để bòn ít nước còn sót lại ở những vùng trũng giữa dòng sông để tưới cho cà phê.

Không còn nguồn nước ở sông để tưới, anh Trần Viết Hùng (thôn Xuân Đạt, xã Phú Xuân) phải vay mượn 50 triệu đồng để khoan giếng, nhưng nguồn nước giếng khoan cũng không đáp ứng đủ nhu cầu tưới cho 3 ha cà phê, nên anh chỉ tưới cầm chừng để cứu cà phê và chờ trời mưa. “Năm nay sẽ mất mùa nặng lắm. Nước tưới không đủ, cây lá èo uột thế này lấy đâu ra trái để cuối năm mà thu hoạch”- anh Hùng than thở! 

Người dân đặt máy bơm trên lòng sông Krông Năng để tìm hút nước cứu cây trồng.
Người dân đặt máy bơm trên lòng sông Krông Năng để tìm hút nước cứu cây trồng.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, tính đến nay đã có hơn 1.200 ha cây trồng bị hạn, trong đó, 214 ha lúa nước bị mất trắng (chiếm 32,08% diện tích gieo trồng), 1.024 ha cà phê thiếu nước tưới nghiêm trọng; 250 hộ thiếu nước sinh hoạt. Ông Lê Rế, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho hay, năm nay tình hình hạn hán ở địa phương diễn biến phức tạp, nguồn nước mặt và nước ngầm đều giảm mạnh, nếu nắng nóng còn kéo dài đến hết tháng 4-2016, sẽ có 50% diện tích lúa đông xuân mất trắng, 50% diện tích cà phê thiếu nước làm giảm năng suất. Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai các biện pháp phòng chống hạn với phương châm huy động mọi nguồn lực tại chỗ để chống hạn; tuyên truyền, vận động người dân nạo vét giếng, đào các tuyến kênh mương, hồ đập để lấy nước; sử dụng nước tiết kiệm; chia sẻ nguồn nước cho nhau… Đối với những khu vực thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, UBND huyện sẽ tiến hành khoan giếng để cung cấp nước tập trung cho dân. UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí nạo vét lòng hồ 14 công trình thủy lợi, 14 km kênh mương, sửa chữa 5 công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung, xây dựng một số trạm bơm trung chuyển nước…

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc