Nông dân Ea H'leo với nỗi lo vườn tiêu chết héo do thiếu nước
Nhiều hộ trồng tiêu ở xã Ea H'leo, nhất là những hộ ở phía đông Quốc lộ 14 thuộc địa bàn thôn 2A, 2B, 2C, buôn Tang, thôn 4 đang đối mặt với nỗi lo tiêu chết do hạn hán. Những ngày này, bà con đều tập trung công sức, thời gian, kinh phí đào ao, vét giếng, khoan giếng để tìm nước tưới hồ tiêu. Tuy nhiên, nhiều hộ tốn công sức, tiền bạc, đào và khoan từ 3-4 nơi vẫn không tìm đủ nguồn nước. Ông Nguyễn Văn Liệu (thôn 2C) lo lắng: “Nhà tôi có 2.000 trụ tiêu đang kinh doanh, vụ này dự tính cho thu trên 8 tấn hạt tiêu khô, nhưng vườn tiêu hiện thiếu nước héo rũ. Từ trước Tết đến nay, gia đình tôi dốc sức tìm nước tưới cho tiêu, bỏ luôn cả ăn Tết. Tôi tự đào một cái giếng sâu 40 m nhưng gặp toàn đá xanh, đá granít mà chẳng thấy nước đâu. Tôi đầu tư tiếp 230 triệu đồng thuê thợ khoan đến 5 cái giếng, mỗi giếng sâu từ 60 m trở lên, mà vẫn không đủ nước, mỗi ngày chỉ bơm được 30 phút rồi cúp cầu dao nằm chờ. Chẳng riêng gì gia đình tôi, hơn 200 ha hồ tiêu của các hộ ở phía đông xã Ea H’leo này đang thiếu nước tưới trầm trọng. Nhiều vườn tiêu trị giá bạc tỷ chắc chắn giảm hơn 50% sản lượng, có thể chết héo trong những ngày tới nếu trời không mưa sớm”. Cũng giống tình cảnh gia đình ông Liệu, gia đình anh Ngô Văn Trí (thôn 2B) từ mùng 2 Tết đến nay đứng ngồi không yên vì 1,5 ha hồ tiêu sắp cho thu hoạch đang có nguy cơ chết héo. Gia đình anh Trí đã đầu tư 140 triệu đồng thuê người đào và khoan thêm một cái giếng sâu 65 m, nhưng chẳng có giọt nước nào, toàn gặp đá cứng và cát. Không thể đứng nhìn vườn tiêu chết rũ, từ mùng 2 tết đến nay, vợ chồng anh Trí dùng xe công nông thay phiên nhau đi mua, xin từng tẹc nước chở về tưới tiêu. Kéo vạt áo lau mồ hôi ướt đẫm trên mặt, chị Nguyễn Thị Thanh (vợ anh Trí) than thở: “Vất vả đi gần 3 cây số mới đưa được tẹc nước về đây, nhưng mỗi tẹc nước chỉ tưới khoảng 15-20 gốc tiêu là hết. Biết rằng biện pháp này cũng chẳng thấm tháp vào đâu giữa lúc trời đang nắng hạn gay gắt nhưng chúng tôi không thể buông xuôi nhìn vườn tiêu chết rũ, đành phải đi xin, mua nước cầm cự chờ trời mưa”.
Bà con nông dân thôn 4, xã Ea H'leo đào giếng tìm nước cứu vườn tiêu. |
Xã Ea H’leo hiện có 622 ha hồ tiêu, trong đó 70% diện tích đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 3,5 - 5,5 tấn hạt tiêu khô/ha. Nhờ trồng tiêu, nhiều hộ nông dân ở xã Ea H'leo đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Hiện tại, dù giá tiêu trên thị trường đã giảm xuống còn khoảng 150.000 đồng/kg, nhưng so với các mặt hàng nông sản khác thì tiêu vẫn cho lợi nhuận kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích canh tác. Ông Rơ Chăm Y Le, Phó Chủ tịch UBND xã Ea H'leo, cho biết, hằng năm, vào mùa khô nông dân trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn tìm nước tưới cho cây trồng bởi trên địa bàn xã hiện vẫn chưa có một công trình thủy lợi nào. Hoạt động sản xuất, chăm sóc cây trồng của bà con nông dân chỉ dựa vào các ao, giếng tự đào của nông hộ. Dù thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp cho các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, nhưng kết cấu địa chất rất phức tạp, lòng đất có nhiều tầng đá xanh, đá granít, cát nên rất cứng và dễ sạt lở khi đào, khoan giếng khai thác mạch nước ngầm. Mặt khác, trong thời gian qua, do bị hấp dẫn trước lợi nhuận từ cây hồ tiêu, nhiều hộ lao vào trồng tiêu bằng mọi giá, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng ở địa phương, không tìm hiểu xem vùng đất mình trồng tiêu có bảo đảm nguồn nước tưới trước mắt cũng như về lâu dài hay không. Vì vậy, vào những năm mưa ít, nắng hạn nghiêm trọng và kéo dài như năm nay, nếu bà con không thể tìm được nước tưới thì thiệt hại từ thất thu là rất lớn. Trước thực trạng khô hạn hiện nay, chính quyền xã Ea H'leo cùng ban tự quản các thôn, buôn đang vận động các hộ chia sẻ, giúp đỡ nhau về nguồn nước tưới; tích cực đào ao, khoan giếng bằng mọi biện pháp có thể; thực hiện tưới nước tiết kiệm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra.
Ngọc Tài
Ý kiến bạn đọc