Quyết liệt chống hạn cho cây trồng
Tại huyện Ea Kar, ngay từ đầu năm 2016, UBND huyện đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành các văn bản và kế hoạch chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị sản xuất trên địa bàn huyện triển khai thực hiện công tác phòng, chống hạn và đối phó với ảnh hưởng của El Nino. Huyện cũng đã đề xuất với Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh đưa nguồn nước từ hồ Krông Búk Hạ về phục vụ tưới cho cây trồng của các xã: Ea Kmút, Cư Ni và Ea Ô và Công ty TNHH MTV Cà phê 721, 716...; khảo sát, triển khai xây dựng tuyến kênh bê tông có chiều dài 800 m nối từ điểm cuối kênh D26 (Krông Búk Hạ) bổ sung nguồn nước về hồ Đội 2 thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê 716, phục vụ chống hạn cho 120 ha cà phê và 63 ha lúa nước của xã Ea Ô… Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ea Kar cho biết: “Về lâu dài, huyện đang đề xuất với Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh và Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT) điều tiết nguồn nước công trình hồ chứa Ea Rơk (xã Cư Elang) để chống hạn cho hơn 700 ha cà phê của người dân thuộc các thôn, buôn dọc suối Ea Rớk, các xã Cư Elang và Ea Ô…”.
Người dân xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) đào giếng tìm nguồn nước để chống hạn cho cây cà phê. |
Còn tại huyện Krông Năng, UBND huyện cũng đã kịp thời triển khai một số công tác như: hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp phòng chống hạn, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi trong vụ đông xuân; phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp thời bàn giao cho xã và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh các công trình thủy lợi vận hành cấp nước sản xuất và sinh hoạt gồm: trạm bơm hồ Bảy Thiện; kênh KC1 thuộc công trình thủy lợi Ea Quanh và công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Đah; phối hợp với Sở NN-PTNT kiểm tra, cải tạo và nâng cấp 21 công trình thủy lợi trên địa bàn… Theo ông Trần Xuân Đức, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, đã có một số vùng xảy ra hạn, như các xã Ea Hồ, Tam Giang, Phú Lộc có khoảng trên 70 ha lúa và hơn 30 ha cà phê thiếu nước tưới; hơn 100 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ông Đức cho hay: “Riêng đối với cây cà phê, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì nhiều diện tích sẽ bị thiếu nước tưới trầm trọng và hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng. Toàn huyện khả năng sẽ có trên 50% diện tích lúa vụ đông xuân và toàn bộ diện tích ngô bị mất trắng; 50% diện tích cà phê thiếu nước, giảm năng suất trong niên vụ 2015-2016”.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Trưởng Tiểu ban phòng chống hạn của tỉnh cho biết: “Công tác phòng chống hạn đã được UBND tỉnh chỉ đạo sớm, kịp thời và các địa phương đã nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên công tác này gặp rất nhiều khó khăn do hệ thống công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm đáp ứng phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất; việc xây dựng kế hoạch cân đối nguồn nước phục vụ sản xuất hiện chỉ thực hiện được với những cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô và màu còn với diện tích trồng cà phê và hồ tiêu lại không thể điều chỉnh theo thời vụ; một số khu vực chưa có công trình thuỷ lợi hoặc bị hư hỏng, xuống cấp không bảo đảm năng lực thiết kế”.
Một vấn đề nữa đặt ra cho các cấp, ngành trong công tác chống hạn là việc quản lý nguồn nước chưa được tốt, người dân còn sử dụng nước lãng phí, bên cạnh đó một số địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương mà chủ yếu trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Ông Dũng cho hay: “Trên thực tế, việc hỗ trợ kinh phí chống hạn vượt định mức từ ngân sách Trung ương thường triển khai muộn và tỷ lệ hỗ trợ rất thấp so với nhu cầu thực tế. Với tình hình thời tiết như hiện nay dự báo vụ đông xuân năm 2015 - 2016 toàn tỉnh sẽ có khoảng 70.000 ha diện tích cây trồng bị hạn và 25.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt...”.
Tính đến đầu tháng 3-2016, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, đơn vị thì kinh phí chống hạn vượt định mức trên địa bàn tỉnh là 165.324 triệu đồng, trong đó: chống hạn cấp nước phục vụ sản xuất: 139.453 triệu đồng và chống hạn đảm bảo cấp nước sinh hoạt: 25.871 triệu đồng. |
Thiên Ân
Ý kiến bạn đọc