Multimedia Đọc Báo in

Giá xăng giảm sâu, cước vận chuyển vẫn còn "đủng đỉnh"

12:49, 10/03/2016

Từ đầu năm đến nay, giá xăng liên tục giảm và hiện đã xuống còn 13.750 đồng/lít (xăng A92). Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các hãng taxi trên địa bàn tỉnh trong tháng 2 phải giảm giá cước vận chuyển, nhưng đến nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp (DN) “đủng đỉnh” giảm cước, một số khác thì vẫn đang… lên phương án.

Việc điều chỉnh giá cước vận chuyển theo thời giá nhiên liệu là điều tất yếu trong kinh doanh vận tải. Điều dễ thấy là khi xăng dầu điều chỉnh tăng giá, chỉ từ 500 - 1.000 đồng/lít thì các DN taxi đã lập tức nghĩ đến việc điều chỉnh giá cước tăng lên. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm sâu như thời gian qua (giảm 2.650 đồng/lít so với cuối năm 2015), thì họ lại khá “đủng đỉnh” trong việc giảm giá cước.

Một số hãng xe taxi đã bắt đầu giảm cước tuy nhiên còn nhỏ giọt,  dè chừng. (Ảnh minh họa)
Một số hãng xe taxi đã bắt đầu giảm cước tuy nhiên còn nhỏ giọt, dè chừng. (Ảnh minh họa)

Đầu tháng 2 vừa qua, Bộ GTVT đã có công văn gửi Sở GTVT các tỉnh đề nghị các Sở làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải (đặc biệt là đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định bằng ôtô và xe taxi) yêu cầu trong tháng 2 phải công khai việc giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì hiện nay, trên địa bàn Đắk Lắk mới chỉ có một vài DN taxi điều chỉnh giá giảm… nhỏ giọt. Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk cho biết, Taxi Mai Linh hiện đang quản lý 320 đầu xe tham gia hoạt động vận chuyển khách tại Đắk Lắk. Ngay sau khi giá xăng trong nước giảm, thực hiện công văn của Sở GTVT, Công ty đã rà soát, cân đối lại chi phí và quyết định giảm cước từ ngày 1-3. Cụ thể: đối với giá cước mở cửa (chở khách chạy đến 0,6 km đầu tiên) giảm 1.000 đồng/lượt; từ 0,7- 30 km không giảm; cước đường dài từ 31 km trở lên giảm 500 đồng/km. Ông Dũng cho rằng, đây là mức giảm mà Công ty đã cân đối thu chi tài chính và thấy phù hợp. Bởi theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14-11-2015 của Chính phủ về mức lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1-1-2016 thì lương tối thiểu vùng 3 (trong đó có tỉnh Đắk Lắk) là 2.889.000 đồng/người/tháng (tăng 321.000 đồng so với năm 2015), dẫn đến mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng, kéo theo chi phí hoạt động kinh doanh tăng bình quân 0,6%. Tuy giá xăng giảm nhưng giá mua xe tăng, mức lương tối thiểu của cán bộ, nhân viên tăng, chưa kể đến tác động doanh thu do cạnh tranh từ các hãng hãng taxi khác và xe hợp tác kinh doanh nên giá cước không thể giảm nhiều.

Ông Lê Quốc Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Sun Taxi Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, do giá xăng trên thị trường biến động thường xuyên, trong khi DN muốn hoàn tất các thủ tục, hồ sơ kê khai điều chỉnh giá cước cho phù hợp với sự biến động đó thì không phải chuyện “sớm chiều”. DN phải tính toán cân đối thu - chi, đề xuất các cơ quan chức năng thẩm định, có thời gian kiểm định hệ thống đồng hồ... Chính vì thế, Sun Taxi tại Đắk Lắk sẽ theo dõi biến động của giá xăng và chọn thời điểm thích hợp để lên kế hoạch giảm giá cước trong thời gian tới.

Một số DN taxi khác lại cho rằng: Việc đơn vị họ thực hiện giảm ít, chưa giảm hoặc không giảm giá cước là do phải tính đến phần bù lỗ chi phí cho việc làm hồ sơ, thủ tục khi thay đổi giá cước, cộng với lương nhân viên trong những ngày xe ngừng chạy để đi cài đặt lại đồng hồ tính cước… Nhiều DN còn cho rằng, mặc dù họ đã chấp nhận bỏ chi phí để điều chỉnh giảm giá cước nhằm lôi kéo khách hàng, lấy uy tín… nhưng khi xăng dầu đột ngột tăng thì họ sẽ thua lỗ.

Trong khi đó, ông Bùi Trọng Tỉnh, Trưởng Phòng Quản lý Công sản và Vật giá - Sở Tài chính cho biết, thực hiện công văn của Bộ Tài chính về tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ôtô, vừa qua, Sở Tài chính đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát lại để xây dựng phương án giảm giá. Đồng thời, yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện điều chỉnh giá cước vận tải, bảo đảm nguyên tắc theo quy luật thị trường và phù hợp mức giá nhiên liệu đầu vào. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, Sở Tài chính phối hợp với Sở GTVT và các ngành chức năng tỉnh sẽ thành lập đoàn thanh tra liên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra về giá cước vận tải, kinh doanh vận tải và việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải đối với các DN vận tải trên địa bàn, đơn vị nào không chấp hành thì sẽ bị xử lý theo đúng quy định.

Theo ông Tỉnh, rõ ràng không thể chấp nhận việc DN kéo dài thời gian, độ trễ điều chỉnh giá để cố tình giữ nguyên giá cước. Việc tăng hay giảm giá cước vận tải là do DN tự tính toán và kê khai rồi gửi hồ sơ lên Sở Tài chính thẩm định phê duyệt. Thường khi DN kê khai giảm giá cước vận tải hợp lý thì Sở Tài chỉnh rất ủng hộ, còn việc kê khai tăng giá cước bất thường mới phải kiểm tra rà soát trước khi phê duyệt (thời gian từ 3-5 ngày làm việc sẽ ra quyết định). Trên địa bàn tỉnh có 6 DN kinh doanh taxi, nhưng từ đầu năm đến nay, Sở Tài chính mới nhận và giải quyết văn bản kê khai giá cước mới của 3 đơn vị (HTX Quyết Thắng, Chi nhánh Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk, Công ty vận tải Lâm Nguyên). Chính vì vậy, không có chuyện các ngành chức năng gây khó dễ, hay thủ tục hành chính rườm rà làm trì hoãn việc thực hiện tăng, giảm giá cước đối với các DN vận tải.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc