Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện quyết liệt các giải pháp chống hạn

12:42, 14/03/2016

Đắk Lắk đang phải đối mặt với một mùa khô khốc liệt hơn mọi năm do nắng nóng kéo dài, mực nước ở các sông, suối xuống thấp và nhiều công trình thủy lợi không tích đủ nước; hàng nghìn ha cây trồng không có nước tưới, nguy cơ mất trắng là rất cao. Chính quyền và nhân dân các địa phương đang thực hiện cấp bách các giải pháp để chống hạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Tình hình hạn đang diễn biến phức tạp

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hiện mực nước ngầm giảm sâu và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3-6m; các suối nhỏ trên địa bàn các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Cư M’gar đã cạn kiệt không còn dòng chảy. Riêng đối với các công trình thủy lợi, nhiều đập dâng trên suối nhỏ hiện không hoạt động được do suối khô cạn; dung tích các hồ chứa giảm nhanh trong quá trình phục vụ tưới, phổ biến các hồ chứa nhỏ đã cạn kiệt, trong đó có 46 hồ cạn hết nước; các trạm bơm do mực nước sông xuống thấp nên cũng ảnh hưởng đến công suất phục vụ tưới. Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, toàn huyện có 92 công trình thủy lợi (90 hồ chứa và 2 đập dâng), phục vụ tưới cho 5.844 ha cà phê, 670 ha lúa vụ đông xuân và trên 80 ha cây hoa màu các loại. Tính đến thời điểm này, sông Krông Năng và một số suối lớn đều đã giảm đáng kể; có 69 công trình mực nước còn xấp xỉ 65-75% dung tích, 12 công trình còn 50-60%, số công trình còn lại mực nước lòng hồ còn khoảng 25-30%. Ngoài ra, một số hồ chứa nhỏ của người dân tự đào và các suối nhỏ đã gần như khô kiệt. Với tình hình này, khả năng phục vụ tưới của các công trình thủy lợi, đặc biệt là các đập dâng thời kỳ cuối vụ sẽ đứng trước nguy cơ không có nguồn nước để chống hạn. Hiện đã có 180 ha cây trồng bị hạn, trong đó lúa nước 70 ha, cà phê 110 ha, 100 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nếu nắng nóng kéo dài đến cuối tháng 3 sang tháng 4, hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng vì nhiều vùng trong huyện không còn nguồn nước để chống hạn, khả năng có trên 50% diện tích lúa đông xuân và toàn bộ diện tích ngô sẽ bị mất trắng; 50% diện tích cà phê bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất… Còn theo Chi nhánh Quản lý công trình thủy lợi huyện Ea H’leo, trong số 34 công trình thủy lợi do chi nhánh quản lý, đến nay đã có 17 hồ cạn đáy, 11 hồ còn dung tích dưới 50%, 5 hồ dung tích đạt 50-70%, 1 hồ còn 70-90%. Đến thời điểm này, người dân đã tưới cà phê xong đợt 2 nhưng đến tưới đợt 3 thì nhiều vùng bị thiếu nước nghiêm trọng, toàn huyện đã có trên 2.000 ha cây trồng bị hạn, trong đó cà phê 1.640 ha.

Hồ Ea Blong 1 ở xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) cạn trơ đáy.
Hồ Ea Blong 1 ở xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) cạn trơ đáy.

Trước tình hình nguồn nước còn rất hạn chế và đang giảm nhanh trong quá trình khai thác phục vụ sản xuất và sinh hoạt, dự kiến đến cuối tháng 3-2016, toàn tỉnh sẽ có khoảng 80.000 ha cây trồng bị hạn, chủ yếu là diện tích cà phê ở những vùng hiếm nước; khoảng 250 hồ bị khô cạn và nhiều trạm bơm không còn nguồn để bơm tưới, nhiều vùng không còn nguồn nước ngầm để khai thác.

Khẩn trương triển khai các phương án chống hạn

Vụ đông xuân 2015-2016, toàn tỉnh có khoảng 273.000 ha cây trồng cần nước, trong đó, cây ngắn ngày 46.000 ha, cây công nghiệp dài ngày khoảng 226.000 ha. Hiện đã có 1.137 ha lúa nước và 7.795 ha cà phê bị hạn, trong đó có 214 ha lúa nước bị mất trắng. Riêng đối với cây cà phê ở những vùng hạn chế về nguồn nước thuộc các huyện Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Búk … đang triển khai tưới đợt 3 nhưng gặp khó khăn về nguồn nước do hồ cạn, suối không còn dòng chảy và lưu lượng nước ngầm nhỏ. Trước tình hình trên, các địa phương đang tập trung triển khai cấp bách các giải pháp để chống hạn. Ông Phan Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết, huyện đã chỉ đạo và phối hợp với Chi nhánh Quản lý công trình thủy lợi huyện thực hiện ngăn dòng, nâng cao ngưỡng tràn các đập dâng để tích nước, đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm và thực hiện tưới luân phiên. Huyện đã có chủ trương sẽ hỗ trợ 70% kinh phí cho các nhóm hộ để múc hồ lấy nước tưới, đồng thời hỗ trợ đào, khoan giếng để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở những vùng khó khăn về nguồn nước… Còn theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, ngay từ đầu vụ, công ty đã xây dựng phương án chống hạn cho 185 công trình có khả năng bị hạn bằng nhiều biện pháp như nâng cao ngưỡng tràn bằng biện pháp đắp bao tải đất để giữ nước; sửa chữa các hệ thống điều tiết đã bị hư hỏng nhằm hạn chế tình trạng mất nước; xây dựng trạm bơm chống hạn; nạo vét các tuyến kênh dẫn; điều tiết nước từ các công trình có nguồn về cho các công trình thiếu nước… Nhờ đó, sau 2 tháng phục vụ tưới, đến nay trên 60.151 ha cây trồng cơ bản được bảo đảm nguồn nước, chỉ có hơn 4.619 ha cây trồng bị hạn và đang được chống hạn, trong đó, lúa 2.049,3 ha, cà phê 2570,36 ha; diện tích bị mất trắng là 23,24 ha lúa do không có nguồn để chống hạn. Ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty cho biết, với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, dự báo trong thời gian tới ở nhiều công trình sẽ xảy ra thiếu nước nghiêm trọng về cuối vụ. Dự kiến diện tích cây trồng cần chống hạn về cuối vụ là 11.068 ha, trong đó 4.578 ha lúa, 6.355 ha cà phê và 135 ha hoa màu. Công ty sẽ triển khai các giải pháp chủ yếu để chống hạn là bơm tát từ dung tích chết của hồ, nạo vét các tuyến kênh dẫn, hỗ trợ dầu cho nhân dân tự bơm, điều tiết nước từ các công trình lân cận …

Trạm bơm của  Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi  Đắk Lắk xây dựng  để  chống hạn cho  cánh đồng Buôn Triết (huyện Lắk).
Trạm bơm của Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk xây dựng để chống hạn cho cánh đồng Buôn Triết (huyện Lắk).

Tiểu Ban chỉ đạo chống hạn của tỉnh cũng đã đưa ra một số giải pháp chống hạn cho từng vùng; cụ thể, đối với diện tích do các HTX nông nghiệp và các tổ dùng nước đảm nhiệm, về cuối vụ khi mực nước sông xuống thấp, cần nạo vét kênh dẫn, nối dài ống bơm để phục vụ tưới, đồng thời lắp đặt và vận hành các trạm bơm dầu dã chiến để bơm chống hạn; đối với vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước hoặc chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các công trình vừa và nhỏ, cần khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước và tăng cường quản lý, điều tiết  tốt nguồn nước, có kế hoạch khai thác nguồn nước ngầm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để phục vụ chống hạn…

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc