Cư Kuin chủ động ứng phó với hạn hán
Là địa phương có diện tích cây trồng lớn, chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày và cây lúa nguồn thu nhập chính của người dân nên công tác phòng chống hạn hán được huyện Cư Kuin hết sức chú trọng.
Đương đầu với hạn hán
Năm 2015, lượng mưa trên địa bàn huyện chỉ đạt 1.453,1 mm, bằng 76,4% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm, nên từ đầu năm 2016, mực nước trên các hồ chứa, suối và sông Krông Ana đoạn chảy qua địa bàn huyện cũng rất thấp. Đặc biệt, lượng nước chứa trong các hồ đập (nguồn nước chính cho sản xuất trên địa bàn) không đạt mực nước dâng bình thường, điển hình là đập Sình Tre, đập thôn 5, xã Cư Êwi, hồ Ea Hu chỉ đạt 60-70 % gây khó khăn trong việc triển khai sản xuất vụ đông xuân. Dự báo, mùa khô năm nay, toàn huyện sẽ có 5.240 ha cây trồng bị hạn, trong đó cà phê 5.000 ha, 240 ha lúa nước.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin kiểm tra mực nước tại đập Ea T’lá 2, xã Hòa Hiệp. |
Để ứng phó với tình trạng khan hiếm nước trong sản xuất, ngay từ đầu vụ đông xuân 2015-2016, Phòng NN-PTNT huyện đã tính toán, cân đối lượng nước để phục vụ cho sản xuất, đồng thời khuyến cáo các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng khan hiếm nước sang trồng hoa màu, theo đó đã chuyển đổi 284,3 ha đất lúa tại các xã Hòa Hiệp, Ea Ktur, Ea Ning, Ea Hu... sang trồng hoa màu. Ông Nghiêm Đình Đức, cán bộ khuyến nông xã Hòa Hiệp cho biết, sau khi khảo sát đập Ea T’lá 2, nhận thấy công trình này bị hỏng cửa đập, không tích trữ được nước nên xã đã khuyến cáo bà con chủ động chuyển đổi hơn 100 ha đất trồng lúa tại các thôn Đông Sơn, Kim Phát, Thành Công, Giang Sơn... sang trồng dưa hấu, bí đỏ, ngô, rau xanh... Nhờ đó, người dân không chỉ tránh được tình trạng mất trắng do hạn hán (nếu trồng lúa) mà còn có mức thu nhập từ 30-60 triệu đồng so với những năm trước.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 62 công trình thủy lợi với dung tích thiết kế hơn 30 triệu m3, đáp ứng nước tưới chủ động cho 6.000 ha cây công nghiệp, 1.800 ha lúa nước vụ đông xuân và 2.500 ha lúa mùa. Tuy nhiên, các hồ chứa đều là công trình quy mô vừa và nhỏ, một số công trình có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tích nước. Với lưu lượng nước như hiện nay tại các sông, suối, hồ đập trên địa bàn, đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 nếu không có mưa thì hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng đối với tất cả các xã.
Giải pháp chống hạn
Tình trạng nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, sản xuất ngày càng nghiêm trọng, để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra, UBND huyện đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt, sản xuất. Đồng thời, thực hiện phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) nhằm tập trung mọi nguồn lực khắc phục khô hạn một cách kịp thời và hiệu quả. Theo đó, địa phương đồng loạt thực hiện tưới luân phiên; thường xuyên theo dõi mực nước các hồ để chủ động điều tiết nước hợp lý; quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, không để rò rỉ, lãng phí nước, bảo đảm nước tưới tới cuối khu cần tưới. Thực hiện tưới khoa học, từ khu xa đầu mối mới tới khu gần đầu mối, vùng cao tưới trước vùng trũng tưới sau; nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước; dùng các biện pháp giữ nước, tích nước như sử dụng bao tải đất, phai gỗ đắp các đập nổi ở các dòng suối chính để tăng dung tích, nâng cao khả năng tích nước của đầu mối và hệ số sử dụng nước của kênh mương…
Khi mực nước giảm mạnh thì thực hiện giải pháp tưới động lực (tưới hỗ trợ bơm) từ các khe suối, hồ đập để tưới bổ sung cho khu vực bị hạn như bơm từ hồ 46 của Công ty TNHH MTV cà phê Ea H’nin đổ xuống hồ 45 thuộc Công ty TNHH MTV cà phê Chư Quynh để lấy nước vào kênh thôn 12 (xã Cư Êwi) tưới cho 22 ha lúa nước và 50 ha cà phê trên địa bàn; bơm nước từ hồ 24 xả vào kênh N1 theo suối để tưới cho cánh đồng Nàng Tiên (50 ha) và Quảng Thái (25 ha), xã Ea Hu; bơm chống hạn tại trạm bơm Kô Êmông A (xã Ea Bhôk) từ giếng khoan của dân với diện tích 10 ha…
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Quyền Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, điều tiết nước, chuyển nước từ hồ này tới hồ khác chỉ là giải pháp tạm thời trong từng mùa vụ, để chủ động ứng phó với tình hình khan hiếm nước ngày càng tăng như hiện nay huyện khuyến khích bà con nông dân phát triển mạnh hệ thống cây che bóng, chắn gió trên cà phê, tiêu… Bên cạnh đó, địa phương cũng đã kiến nghị với tỉnh cần quan tâm sửa chữa, bê tông hóa hệ thống kênh mương, nạo vét, sửa chữa các hồ đập bị hư hỏng trên địa bàn.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc