Multimedia Đọc Báo in

Ea Súp khô khát vì hạn

09:45, 15/04/2016

Nắng hạn chưa từng có kéo dài đã khiến nhiều diện tích canh tác bị bỏ hoang, cây trồng khô cháy, giếng nước sinh hoạt cạn khô... là những gì đang xảy ra tại huyện Ea Súp.

Hơn 15 năm nay, cái giếng khơi của gia đình bà Ma Thị Thóa, thôn 4a, xã Cư K’bang chưa bao giờ hết nước. Thế mà, từ 2-3 tháng trở lại đây, giếng đã cạn khô, khiến 4 người trong gia đình bà Thóa phải dùng chung nước với nhà hàng xóm. Bà Thóa cho hay: “Hơn 1 tuần nay, giếng dùng chung này cũng đã cạn. Tôi bàn với chồng, xoay xở mượn 3 triệu đồng để ứng tiền dầu thuê người về khoan giếng. Sang năm, sau vụ thu hoạch sẽ trả nốt 7 triệu còn lại, nhưng nhu cầu đào giếng lớn quá mà toàn xã chỉ có 4 máy khoan nên gia đình tôi vẫn phải chờ”. Thiếu nước không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt thường nhật mà đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc trồng trọt và chăn nuôi của người dân trên địa bàn. Cuộc sống nhà ông Nịnh Văn Bảo, thôn 6, xã Cư Kbang chủ yếu nhờ vào vườn điều, trồng thêm dưa leo, chuối, chanh tứ quý và chăn nuôi nhưng đang dần kiệt quệ vì thiếu nước. Ông Bảo rầu rĩ: “Nước uống thì mua, sinh hoạt dùng chung với hàng xóm. Điều không cho thu hoạch, vườn rau đã cháy khô từ lâu... Không có nước sinh hoạt đã đành, bây giờ trồng rau, nuôi heo cũng không xong”. Còn bà Nông Văn Kim, thôn 4a, xã Cư Kbang than thở: "Gia đình chỉ trông vào 1 héc-ta điều và mấy con heo, nhưng trời không cho nước thế này thì làm sao trồng trọt và chăn nuôi được. Con gái tôi vừa sinh em bé mà nước sinh hoạt không có; 2 đứa con trai lớn của tôi đã đi vùng khác làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống gia đình...”

Cư Kbang là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp. Toàn xã có hơn 2.000 hộ với gần 10.000 khẩu, trong đó gần 81% là hộ nghèo. Ông Trương Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đời sống của nhân dân trong xã chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi; do hạn hán, mặt khác trên địa bàn xã chưa có hệ thống kênh mương, thủy lợi khiến nhiều diện tích hoa màu phải dừng sản xuất từ tháng 9 – 2015. Còn nước sinh hoạt của người dân thì chủ yếu dựa vào nguồn nước từ các giếng đào. Ông Thảo cho hay: “Tính đến đầu tháng 4-2016, toàn xã đã có hơn 800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu tập trung ở thôn 4a và 6. Hiện UBND xã đã có tờ trình gửi UBND huyện về việc hỗ trợ kinh phí khoan giếng tập trung cho các thôn thiếu nước trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu về nước uống, sinh hoạt cho người và gia súc...”.

Không có nước tưới, vườn dưa leo nhà ông Nịnh Văn Bảo đã cháy khô.
Không có nước tưới, vườn dưa leo nhà ông Nịnh Văn Bảo đã cháy khô.

Theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp, do ảnh hưởng của El Nino nên nhiệt độ trên địa bàn huyện tăng so với trung bình nhiều năm từ 1,2 đến 1,5oC; lượng nước bốc hơi nhanh, đặc biệt nguồn nước ở các ao, hồ, sông suối cạn kiệt và mực nước ngầm xuống thấp khiến nhiều giếng khoan, giếng đào đã cạn nước gây khó khăn về nước sinh hoạt và nước tưới trên địa bàn huyện. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Ea Súp đã có 6 xã là: Ia R’vê, Ia Lốp, Ia J’lơi, Cư M’lan, Ea Rốk và Cư Kbang với gần 2.500 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; 107 ha lúa nước có nguồn tưới bấp bênh, khả năng bị khô hạn vào cuối vụ, trong đó có một số xã khó khăn như Ia T’mốt: 25 ha (3 ha mất trắng), xã Ea Lê 80 ha... Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho hay: “UBND huyện đang chỉ đạo các xã kiểm tra, xem xét và chủ động nạo vét, khoan một số giếng để cấp nước tập trung cho bà con, đến nay đã có 5 xã đề nghị UBND huyện hỗ trợ khoan mới 20 giếng. Bên cạnh đó, một số công trình cấp nước tập trung tại các xã Ia T’mốt, Ia J’lơi, Cư K’bang và Ea Rốk tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động chưa hiệu quả nên UBND huyện cũng đã chỉ đạo khắc phục được bằng biện pháp thay bơm và đường ống dẫn... để giải quyết tạm thời cho bà con. Dự báo khả năng cuối tháng 4 và tháng 5 này, hạn sẽ nặng lên tới mức đỉnh điểm nên chúng tôi cũng đã chuẩn bị một số phương án như mua bơm, các bồn nước rồi thuê xe chở đến cho người dân các vùng khó khăn...”.  

Gia Hưng


Ý kiến bạn đọc