Multimedia Đọc Báo in

"Kênh" thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số

10:12, 08/04/2016
Vốn là một hộ nghèo, những năm trước đây gia đình anh Nguyễn Hùng Cường và chị Trần Thị Hiền (dân tộc Mường, ở thôn 1, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) có hoàn cảnh hết sức khó khăn: Hai vợ chồng nuôi 4 con nhỏ và mẹ già đau yếu chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ đồng lương công nhân. Đến năm 2012 gia đình chị được địa phương hỗ trợ 13,5 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế theo hình thức cho vay không tính lãi và chỉ phải hoàn lại 40%. Nhờ bản tính siêng năng, cần cù và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đến nay gia đình chị đã thoát khỏi diện hộ nghèo. Mỗi năm từ diện tích vườn ươm cây giống, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình chị cũng thu lợi 40-50 triệu đồng... Tương tự, trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Bích (dân tộc Mường, ở thôn 2, xã Hòa Thắng) cũng đã dần ổn định nhờ biết phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Năm 2013, gia đình chị được hỗ trợ vay 12 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản và đến nay đã phát triển thêm được 3 con bò, nhờ đó cuộc sống của gia đình chị cũng đã bớt khó khăn hơn...
Chị Trần Thị Hiền (bìa trái) ở thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột)  giới thiệu về vườn ươm cây giống của gia đình.
Chị Trần Thị Hiền (bìa trái) ở thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu về vườn ươm cây giống của gia đình.

Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp các gia đình người dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Hòa Thắng được hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư vùng đồng bào DTTS của TP. Buôn Ma Thuột. Chị H’Vương Niê, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Thắng vui vẻ cho biết: Từ năm 2013-2015, trên địa bàn xã Hòa Thắng có 100 lượt hộ được vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, với tổng vốn vay gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ nuôi bò là 92 hộ; nuôi heo: 5 hộ; nuôi gà: 2 hộ; nuôi cá: 1 hộ. Nhìn chung các mô hình đã triển khai đều đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là việc hỗ trợ chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế khá cao: Trong 92 hộ nhận nuôi với tổng số 95 con thì có 65 con đã sinh sản. Tổng đàn bò hiện tăng lên 160 con. Tiếp đó là hỗ trợ chăn nuôi heo, với 5 hộ nuôi 30 con; đến nay heo đã sinh sản được 2-3 lứa, hiện các hộ vẫn tiếp tục tái đàn sản xuất... Có thể nói, từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế, đời sống của nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã dần ổn định; trong 100 hộ tham gia chương trình, đến nay đã có 26 hộ thoát nghèo và 17 hộ thoát cận nghèo... Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt cũng đã được địa phương thực hiện và chuyển giao, nhân rộng thành công, góp phần cải thiện, tăng thêm thu nhập cho bà con ở các thôn, buôn đồng bào DTTS. Đó là các mô hình: nuôi giống heo bản địa, ủ vỏ cà phê, ghép cây cà phê, nuôi gà thả vườn, nuôi bò vỗ béo, sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, trồng bơ, sầu riêng xen canh cà phê và một số mô hình khác như: ủ thức ăn cho bò, trồng lúa cạn, trồng ngô... Ngoài ra, trên địa bàn xã các mô hình sản xuất vườn ươm, cây giống và hoa cây cảnh cũng ngày càng phát triển và được bà con tại các thôn, buôn học hỏi, áp dụng, đem lại giá trị kinh tế cao, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình.

Được biết, trong 4 năm qua, TP. Buôn Ma Thuột đã bố trí nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế hộ gia đình tại các thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn được 870 lượt hộ (có hộ đăng ký hỗ trợ cả chăn nuôi và trồng trọt), với tổng kinh phí gần 12,2 tỷ đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 11,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 838 triệu đồng. Cụ thể, hỗ trợ cho 742 lượt hộ chăn nuôi, 140 lượt hộ trồng trọt, 13 lượt hộ phát triển ngành nghề khác. Hầu hết các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình phát triển khá tốt. Có thể kể đến như mô hình chăn nuôi bò: từ 730 con, đến nay có 974 con; về đàn heo, một số hộ nuôi heo giống đã đến thời kỳ phối giống để sinh sản, một số hộ nuôi heo thịt đã xuất chuồng có lãi và đã thực hiện việc tái đàn. Công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng luôn được quan tâm, triển khai tại các thôn, buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS, từ đó làm thay đổi nhận thức của đồng bào, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp... Có thể nói, việc hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả nhất định, tạo đà cho bà con DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo; từ 2012 đến năm 2015, trong số các hộ được hỗ trợ phát triển kinh tế đã có 319 hộ thoát nghèo...

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.