Multimedia Đọc Báo in

Nông sản hội nhập: Cần một cuộc đổi thay (Kỳ 2)

09:32, 12/04/2016

Kỳ 2: Bất cập từ khâu sản xuất

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của Đắk Lắk, tuy nhiên, khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hiện tại vẫn còn mang tính truyền thống, manh mún khiến hiệu quả kinh tế thấp, khó thích nghi trong quá trình hội nhập.

Từ sản xuất manh mún

Là tỉnh có nhiều diện tích cà phê nhất nước, với hơn 203.000 ha nhưng sau hơn 100 năm phát triển, trên 85% diện tích vẫn còn nằm trong dân với quy mô nông hộ nhỏ lẻ chỉ từ 5.000-20.000m2. Bởi diện tích nhỏ nên người dân dễ dàng linh động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhưng chính nó cũng bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình tổ chức sản xuất, trong đó, việc trồng cây gì, nuôi con gì, tổ chức mô hình sản xuất như thế nào đều do từng hộ dân quyết định. Trong khi đó, muốn phát triển bền vững trong xu thế hội nhập đòi hỏi nông sản phải đồng đều về chất lượng và đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu lựa chọn giống đến chăm sóc, sơ chế, chế biến, bảo quản. Trên thực tế, một số gia đình vẫn còn xem trồng cà phê là một phần phụ thêm trong phát triển kinh tế hộ nên mạnh ai nấy làm, cũng không chú trọng đầu tư bài bản nên chất lượng nông sản thấp, chưa thể sánh bằng những diện tích được tổ chức sản xuất bài bản của các HTX, DN. Cùng với đó, phần lớn nông sản làm ra đang phải dựa dẫm vào thương lái, bản thân nông dân luôn đối mặt với mối lo tiêu thụ khi mùa thu hoạch về, thương lái thường xuyên ép cấp, ép giá khiến lợi nhuận ngày càng thấp.

Nông dân huyện Krông Pắc sơ chế cà phê trên nền sân xi măng.
Nông dân huyện Krông Pắc sơ chế cà phê trên nền sân xi măng.

Sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn lệ thuộc vào thời tiết, năm nào mưa thuận gió hòa thì được mùa, ngược lại là mất sạch do người dân chưa chú trọng đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật sâu vào sản xuất để phát triển cây trồng ổn định, lâu dài mà chỉ chăm chăm cái lợi trước mắt nên cây nào cũng trồng nhưng hiệu quả góp nhặt lại chẳng được bao nhiêu. Có một thực tế cho thấy, hễ vụ này loại cây nào được mùa, được giá thì chắc chắn vụ sau diện tích cây trồng đó sẽ bùng nổ vượt quy hoạch, bất chấp khó khăn về đầu ra cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng, và điều tất yếu của quy luật thị trường là một khi cung vượt cầu thì giá rớt thảm. Ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, người nông dân hiện nay vẫn sản xuất theo lề lối cũ, thấy người ta trồng cây gì mình cũng gắng trồng bằng được, bất chấp cây trồng mới đó có phù hợp trên đất của mình hay không! Và đương nhiên, việc chuyển đổi chụp giật như vậy thì chi phí đầu tư rất cao, trong khi nguồn vốn có hạn, thậm chí phải vay mượn nên bản thân người nông dân rất nóng ruột thu hồi vốn, vì thế họ lạm dụng thuốc BVTV nhằm gia tăng năng suất, rút ngắn thời gian sản xuất... mà không chú trọng đến chất lượng nông sản, sự phát triển bền vững của cây trồng cũng như môi trường sinh thái.

Đến tạo dựng thương hiệu

Không thể phủ nhận những cái nhất nhì của nông sản Đắk Lắk và nỗ lực của ngành nông nghiệp trong phát triển sản phẩm, nhưng đến nay, ngoài những cái đã và đang đứng vị trí số 1 của cả nước cũng như thế giới (Việt Nam đứng thứ nhất về sản lượng cà phê robusta) thì nông nghiệp Đắk Lắk vẫn chưa có gì thêm đáng để nói khi hội nhập. Đặc biệt,  vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đầu tư tương ứng, trong khi quá trình hội nhập luôn đề cao đến thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ... Điển hình là sản phẩm cà phê có chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, sau chặng đường dài đằng đẵng đi đòi lại từ một DN ở Trung Quốc thì đến nay mới chỉ có 11/17 quốc gia (đăng ký bảo hộ) công nhận chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột. Đã có nhiều sự kiện, hội thảo tìm giải pháp phát triển chỉ dẫn địa lý này ra thế giới được tổ chức, nhưng với các khách hàng tiêu dùng quốc tế-người cần phải nhắm đến - hiện nay vẫn còn rất mù mờ, thậm chí họ không quan tâm tới chỉ dẫn này. Bởi thực tế, hàng trăm nghìn tấn cà phê của Đắk Lắk xuất khẩu đến hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới mỗi năm nhưng vẫn dưới dạng cà phê nhân xô-nguyên liệu, trong đó có cà phê có chỉ dẫn địa lý, nhưng các nhà rang xay chế biến ra có in chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc nguyên liệu trên bao bì, nhãn mác sản phẩm hay không thì đó là quyền của các nhà chế biến. Do vậy, muốn phát triển chỉ dẫn địa lý trên thị trường quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến sâu có in logo, chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên bao bì sản phẩm và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng việc phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột tại các thị trường quốc tế hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhân lực có hiểu biết về luật pháp của các nước sở tại.

Có một thực tế phũ phàng là trên thị trường trong nước đã có những sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam, do doanh nghiệp nước ngoài chế biến và được bày bán tại Việt Nam nhưng người tiêu dùng không hề biết rằng, sản phẩm đó sử dụng nguyên liệu do chính nông dân Việt Nam sản xuất ra mà cứ ngỡ từ một quốc gia nào khác như nấm Linh Chi, gạo, cà phê Starbucks, trái bòn bon, sầu riêng... Đáng quan tâm hơn khi chất lượng sản phẩm của họ có thể chỉ ngang bằng với sản phẩm trong nước nhưng vì tâm lý sính ngoại nên người tiêu dùng vẫn hay chọn mua. Để nông sản Việt đứng vững trước sự phát triển, xâm nhập của các nông sản, DN nước ngoài trong quá trình hội nhập thì vấn đề sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cần phải được đặt lên hàng đầu.

(Còn nữa)

Thanh Hường

[links()]


Ý kiến bạn đọc