Multimedia Đọc Báo in

Cung ứng phân bón trả chậm: Giảm gánh nặng cho nông dân

08:58, 11/04/2016

Những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò cầu nối, phối hợp với doanh nghiệp (DN) cung ứng hàng nghìn tấn phân bón cho hội viên theo hình thức trả chậm, góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất, phát triển kinh tế.

Chương trình mua phân bón trả chậm đã được các cấp HND tỉnh triển khai từ năm 2005 đến nay. Trong suốt 10 năm thực hiện, chương trình đã mang lại niềm vui không nhỏ cho bà con nông dân, nhất là những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số được mua phân bón trả chậm với giá hợp lý, bảo đảm chất lượng.

Trước đây, cứ đến vụ sản xuất, gia đình anh Trần Văn Bảy ở thôn 5, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) lại chạy đôn chạy đáo vay tiền để mua phân bón. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ HND xã Ea Bar triển khai chương trình liên kết với DN đứng ra nhận tín chấp cung ứng phân bón trả chậm cho các hội viên, gia đình anh Bảy không phải lo lắng về khoản tiền mua phân bón như trước. Đầu mùa vụ, gia đình anh chỉ cần đăng ký với chi hội nông dân thôn về số lượng, chủng loại phân bón, sau đó, DN cung ứng sẽ đưa phân bón về tận hội trường thôn. Sau mỗi mùa thu hoạch anh mới phải trả tiền.

Cũng như gia đình anh Bảy, hộ ông Y Khem Êban ở buôn Bling, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) có 1,5 ha cà phê, mỗi năm đầu tư khoảng 5 tấn phân bón các loại. Ông Y Khem cho biết, trước đây, ông thường mua nợ phân bón ở các đại lý với lãi suất cao (khoảng 1- 2%/tháng). Những năm gần đây, việc mua phân bón trả chậm thông qua HND xã đã giúp gia đình ông khắc phục được khó khăn do thiếu vốn đầu tư trước mắt. Mặt khác, do HND xã ký liên kết trực tiếp với công ty sản xuất hoặc nhà phân phối, không phải qua nhiều khâu trung gian nên giá phân bón rất hợp lý. Điều làm ông và bà con địa phương cảm thấy vui hơn cả là có HND đứng ra tín chấp nên khá yên tâm về chất lượng phân bón, không lo phân bón giả, kém chất lượng. Ông Y Khem mong muốn chương trình này duy trì lâu dài để hội viên nông dân yên tâm sản xuất.

Cán bộ, hội viên nông dân tham quan mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK GAP  của Công ty Cổ phần SX&TM Minh Phát Đắk Lắk tại thôn 1, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar).
Cán bộ, hội viên nông dân tham quan mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK GAP của Công ty Cổ phần SX&TM Minh Phát Đắk Lắk tại thôn 1, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar).

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HND xã Ea Kpam cho hay, để cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân với giá thấp nhất, cán bộ HND thường vận động bà con đăng ký mua sớm (trước thời điểm gieo trồng), vì khi ấy giá thấp hơn thời điểm bước vào vụ mới. Bên cạnh đó, để chương trình đạt hiệu quả cao, HND xã đã phối hợp với các DN cung ứng phân thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cấp phát tờ rơi, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng phương pháp), đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn đánh giá chất lượng và hiệu quả thực tế để bà con ứng dụng… Ông Thanh chia sẻ: Nhờ chương trình này mà cán bộ, hội viên và bà con nông dân ngày càng gắn bó và hiểu nhau hơn. Bà con nông dân khi tham gia sinh hoạt Hội còn được hưởng nhiều lợi ích thiết thực khác như vay tín chấp ngân hàng, tập huấn, dạy nghề, chuyển giao các kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi…

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch HND tỉnh, chương trình cung ứng phân bón trả chậm đã phần nào giải tỏa nỗi lo về giá (do các đại lý bán lẻ tự nâng, ép giá), tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, giúp nông dân giảm bớt gánh nặng, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, HND tỉnh đã quán triệt các cấp hội nên lựa chọn những DN có uy tín, sản phẩm phân bón đạt chất lượng tốt để ký liên kết tín chấp cung ứng cho người dân. Sau khi thu hoạch, HND cơ sở có trách nhiệm thu đủ tiền phân bón để hoàn trả.

Trong năm 2015, các cấp Hội trong tỉnh đã đứng ra tín chấp cho các hội viên mua trên 8.000 tấn phân bón trả chậm. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay đã có khoảng gần 200 tấn phân bón được bà con mua theo hình thức trả chậm. Ông Tư cho biết, để chương trình ngày càng phát triển hơn nữa, HND tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, vận động DN mở rộng, tăng cường số lượng phân bón cung ứng trả chậm, nhất là với các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số; đồng thời, tích cực mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác cây trồng, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.