Multimedia Đọc Báo in

Sở giao dịch hàng hóa và cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE): Chưa tìm được "tiếng nói chung"

08:56, 05/04/2016
Sau những “lình xình” về tình trạng hoạt động èo uột tại Sở giao dịch hàng hóa và cà phê Buôn Ma Thuột, mới đây các nhà đầu tư đã có báo cáo hoạt động cũng như hướng giải quyết các khúc mắc đang tồn tại.

Nhà đầu tư “kêu” khó đủ đường

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Sở giao dịch hàng hóa và cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE) do ông Trần Thanh Hải (Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam, cổ đông lớn nhất trong số các cổ đông sáng lập) ký nêu rõ: đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện để các cổ đông sáng lập BCCE được tiếp tục góp vốn theo tiến độ hoạt động. Văn bản cũng đã nêu ra những vướng mắc khiến việc đưa BCCE đi vào hoạt động gặp khó khăn. Trong đó đáng chú ý là việc thẩm định giá trị cơ sở vật chất (phần góp vốn của Nhà nước) đến nay vẫn chỉ được thẩm định từ một bên mà chưa được các cổ đông thừa nhận; hiện cơ sở này đang xuống cấp nghiêm trọng và so với điều kiện ở thời điểm mới thành lập BCCE, cơ sở này phục vụ chưa quá 50% nhu cầu, gây lãng phí rất lớn. Bên cạnh đó, một số tài sản của Tập đoàn Thái Hòa vẫn còn hiện diện tại trụ sở hiện nay của BCCE đã gây khó khăn cho kế hoạch triển khai cung cấp các dịch vụ cho ngành hàng cà phê của BCCE. BCCE cũng khẳng định, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi thành lập đến nay, BCCE đã hoàn thiện được đề án mô hình hoạt động trên cơ sở góp ý, chỉ đạo của các sở, ban, ngành liên quan tại Đắk Lắk; chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến với các đối tác nước ngoài… Bên cạnh đó, BCCE đã có những kiến nghị như hỗ trợ BCCE trình đề án về mô hình hoạt động lên Chính phủ theo cơ chế đặc thù. Cụ thể, cho phép BCCE xây dựng Sở giao dịch hàng hóa và cà phê Buôn Ma Thuột theo mô hình thí điểm với hàng hóa đầu tiên là cà phê Robusta theo hai phương thức hợp đồng giao ngay (Spots) và tương lai (Futures) mà không bị ràng buộc bởi Điều 8 của Nghị định 158/NĐ-CP về quy định vốn pháp định (150 tỷ đồng); đề nghị Nhà nước cho phép BCCE được niêm yết giá cà phê, nông sản bằng VNĐ và ngoại tệ (USD, EUR); ban hành văn bản thí điểm cho phép giao dịch cà phê, hàng hóa tại BCCE được thực hiện theo phương thức mua - bán khống (giao dịch thực hiện có thể bằng việc ký quỹ/đặt cọc bằng tiền để bán cà phê, nông sản và ngược lại, ký quỹ/đặt cọc bằng cà phê, hàng hóa để mua cà phê, hàng hóa). Theo BCCE, nếu có được cơ chế này, giá cà phê sẽ được cân đối theo lượng cung – cầu, bảo đảm giá cà phê ổn định hơn cho các hộ gia đình, doanh nghiệp (DN) trồng và sản xuất cà phê. Ngoài ra, BCCE cũng kiến nghị Chính phủ có chủ trương và tạo điều kiện cho BCCE tham gia Ban điều phối Quỹ phát triển cà phê và các quỹ khác về ngành hàng cà phê trong tương lai; tạo điều kiện cho BCCE tham dự và tiếp nhận nguồn tài chính từ các dự án quốc tế trong lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cải cách thể chế, kết nối  với các sở giao dịch hàng hóa trong khu vực và trên thế giới; có chính sách khuyến khích các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành hàng cà phê tham gia giao dịch qua BCCE…

Phải sớm mở những “nút thắt”

Theo BCCE, nếu những vướng mắc trên được tháo gỡ sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm góp vốn và đưa sàn giao dịch cà phê đi vào hoạt động theo đúng lộ trình. Thế nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cho biết, thực tế đến nay BCCE vẫn chưa trình được đề án cụ thể và UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các bên liên quan xây dựng đề án, phải trình UBND tỉnh trước 15-4-2016. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là các nhà đầu tư chưa thống nhất được với nhau một đề án cụ thể nào, và thậm chí là còn chưa xác định đâu là thị trường chính của mình. Về vấn đề này, UBND tỉnh khẳng định, nếu các nhà đầu tư không thống nhất được thì cho phép mỗi nhà đầu tư đưa ra một phương án riêng và UBND tỉnh sẽ lấy ý kiến DN, nhà đầu tư, chuyên gia để quyết định phương án cuối cùng. Theo ông Ninh, đề án phải bảo đảm có định hướng hoạt động (trước mắt cũng như lâu dài), cơ chế bảo đảm (tài chính, nhân lực, thị trường…); phải quan tâm đến cơ sở thực tiễn là những thất bại từ mô hình hoạt động của sàn giao dịch cà phê khi đang trực thuộc Sở Công thương trước đây để rút bài học kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất là định hướng hoạt động của BCCE phải có mục tiêu cụ thể. Trong đó, mục tiêu lâu dài đương nhiên là phải tiến đến việc xâm nhập thị trường quốc tế, nhưng trước mắt phải phát huy được vai trò hỗ trợ ngành hàng và nên chăng cần hình thành một thị trường giao dịch cà phê thực trong nước thông qua sàn giao dịch này để tạo tiền đề cho những bước tiếp theo.

Với những gì đang diễn ra, nhất là trong việc tìm “tiếng nói chung” giữa các bên đang gặp khó khăn, cơ quan quản lý và các nhà đầu tư cần sớm ngồi lại với nhau, mở những “nút thắt” tìm ra giải pháp tối ưu, để sàn giao dịch được vận hành như mong muốn của những người sản xuất, kinh doanh cà phê.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc