Vườn Quốc gia Yok Đôn: Thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng
Đã hơn 2 tháng nay, do nắng nóng kéo dài, các con suối trong VQG Yok Đôn đã cạn trơ đáy, nguồn nước mưa dự trữ trong các bể ở một số nơi trong Vườn cũng đã hết, hàng trăm nhân viên kiểm lâm đang phải chắt chiu từng giọt nước còn sót lại ở các sông suối để sinh hoạt.
Vũng nước đọng này là nguồn cung cấp nước tắm giặt cho chốt quản lý bảo vệ rừng của Trạm Kiểm lâm số 1. |
Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho các kiểm lâm viên, Vườn đã bố trí một xe bồn chuyên chở nước cung cấp cho các trạm, nhưng việc cung cấp gặp rất nhiều khó khăn do các trạm nằm cách xa trụ sở Vườn; có trạm, xe chở nước phải chạy một buổi mới tới nên cũng chỉ đáp ứng cho các kiểm lâm dùng để nấu ăn, còn các sinh hoạt khác phải tận dụng những vũng nước còn sót lại ở các sông, suối. Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yok Đôn dành hẳn một buổi chiều chở phóng viên bằng xe máy đi vào vùng lõi của Vườn để tận mắt chứng kiến sự khan hiếm nước sinh hoạt của lực lượng kiểm lâm ở đây. Dưới cái nóng như chảo rang của rừng khộp mùa khô, những cánh rừng khoác một màu bạc trắng của cây lá khô, hiếm hoi lắm mới bắt gặp được một vài đám rừng còn xanh nằm bên cạnh những con suối. Trên những con đường tuần tra, các con suối lớn nhỏ đã trơ đáy, chỉ sót lại vài vũng nước đọng bốc mùi hôi thối của bùn, lá cây mục. Mất gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi đến được chốt bảo vệ rừng thuộc Trạm Kiểm lâm số 1 nằm giáp ranh với huyện Cư Jút (Đắk Nông), anh Phan Bá Hoàn, Trạm phó đang loay hoay nạo vét lòng suối để bơm nước lên tắm rửa. Anh cho biết, chốt có 5 người, nguồn nước ăn được Vườn chở vào cung cấp, còn nước tắm giặt thì anh em ở đây đang cố gạn những vũng nước ít ỏi còn sót lại giữa dòng suối Đắk Lau để dùng. Nước suối đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối được bơm lên bể, cho vào một ít phèn giúp nước lắng bùn rồi dùng để tắm giặt. “Tắm nước này xong da bị ngứa, tóc dính phèn cứng như rễ tre, không có thì cũng phải dùng thôi chứ biết làm sao! Nếu nắng nóng thêm vài tuần nữa, những vũng nước trên suối còn sót lại cũng sẽ cạn kiệt thì nước bẩn cũng không còn để tắm”, anh Hoàn lo lắng.
Nhân viên Trạm kiểm lâm số 1 (VQG Yok Đôn) đang khơi thông dòng suối để lấy nước sinh hoạt. |
Chốt bảo vệ rừng của Trạm Kiểm lâm số 2 (cách trạm số 1 10 km) cũng rất bức xúc về nước sinh hoạt. Ở đây 4 tháng rồi không có lấy 1 hạt mưa nào, nước tắm giặt phải bơm từ sông Sêrêpôk lên, nguồn nước này cũng tù đọng lâu ngày, trâu bò của người dân lội xuống uống nước, thải phân ra ở đó nên nguồn nước bị ô nhiễm. Không có bồn để chứa nước, các kiểm lâm phải mua nước đóng bình để uống và nấu ăn. Mỗi ngày tiết kiệm lắm cũng phải mất 2 bình, mỗi bình có giá 10 nghìn đồng. Tính ra mỗi tháng ở đây, họ phải chi ra 600 nghìn mua nước.
Ông Đỗ Quang Tùng cho biết, vào mùa khô đơn vị phải gồng mình chống chọi với tình trạng lâm tặc xâm nhập vào Vườn khai thác lâm sản, nay phải lo chạy nước ăn từng bữa cho anh em nên càng thêm vất vả. Hiện tại, do các giếng khoan ở trong khu vực bị nhiễm vôi nặng không thể dùng để ăn, uống nên nguồn nước chở vào cho các trạm được lấy trực tiếp ở hồ Cư Mil (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) dù nguồn nước tự nhiên này cũng không bảo đảm vệ sinh cho lắm. Nhằm giải quyết tình trạng này về lâu dài, Vườn đang kiến nghị Bộ NN-PTNT cho xây dựng một nhà máy lọc nước để cung cấp nước sinh hoạt thường xuyên và bảo đảm vệ sinh cho lực lượng giữ rừng.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc