Multimedia Đọc Báo in

Áp lực giữ rừng ở huyện Krông Bông

09:36, 24/05/2016

Với việc thực hiện nhiều giải pháp trong quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Krông Bông đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, rừng nơi đây vẫn đang chịu nhiều áp lực…

Theo Hạt Kiểm lâm Krông Bông, nhờ tăng cường thực hiện nhiều biện pháp và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thuộc huyện nên tình hình vi phạm lâm luật trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 có chiều hướng giảm. Thống kê số vụ đã xử lý vi phạm khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép năm 2015 là 23 vụ, lâm sản tịch thu là 32,919 m3; 3 tháng đầu năm 2016 là 4 vụ, lâm sản tịch thu 10,463m3. Tuy nhiên,  việc khai thác gỗ, trong đó có gỗ giỗi trái phép trên địa bàn huyện đã xảy ra chủ yếu từ năm 2014 trở về trước, tập trung tại địa bàn Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và một số xã như Yang Mao, Cư Đrăm… làm cho tình hình an ninh rừng nơi đây trở nên phức tạp. Trước tình hình trên Hạt Kiểm lâm đã phối hợp Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép, trong đó có gỗ giỗi. Trên cơ sở báo cáo của địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 11/UBND-NNMT ngày 6-1-2015 về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng thu hái quả, hạt và gỗ rừng trái phép. Về tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã Cư Đrăm, mặc dù Hạt Kiểm lâm huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho các chủ rừng, UBND xã triển khai nhiều kế hoạch, phương án bảo vệ rừng nhưng tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở đây vẫn thường xảy ra. Thống kê số vụ vi phạm từ năm 2010 đến tháng 3-2016, riêng trên địa bàn xã Cư Đrăm đã phát hiện và xử lý 72 vụ, tịch thu 140.5 m3  gỗ các loại. Trong đợt kiểm tra xác minh tin báo mới đây, lực lượng kiểm lâm của huyện đã phát hiện 3 gốc cây (2 gốc bạch tùng và 1 gốc gỗ giổi) đã khô mục, mặt cắt đã cũ, và 9 phách gỗ đã bị mục phần vỏ và giác chỉ còn lại phần lõi cây. Từ vụ việc trên cho thấy, sự lỏng lẻo của chính quyền cơ sở trong công tác QLBVR cũng như kiểm lâm địa bàn chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong việc bám cơ sở, bám rừng nên để gỗ bị đốn hạ, khai thác trộm đến khi mục hết phần vỏ mới được phát hiện. Đối với 9 phách gỗ (khối lượng 4,926m3), gỗ đã bị mục giác, nằm ở  vùng địa hình đồi núi cao, đường đi khó khăn, mặt khác giá trị gỗ bạch tùng trên thị trường không cao nên Hạt đề nghị huyện cho tiêu hủy số gỗ trên không để các đối tượng khai thác trái phép vận chuyển về; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng đối với UBND xã, kiểm lâm địa bàn xã để xảy ra khai thác gỗ trái phép tại lô 5, khoảnh 4; lô 14, khoảnh 3, tiểu khu 1189 nêu trên.

Tuần tra rừng ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Tuần tra rừng ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Bên cạnh tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy cũng gây nhiều áp lực lên rừng nơi đây. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Krông Bông có 17.060 ha rừng, đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép, trong đó, diện tích bị lấn chiếm trước năm 2008 là 14.299 ha, từ năm 2008 đến nay là 2.831 ha. Từ năm 2012, huyện đã cho rà soát, thống kê và cưỡng chế thu hồi lại diện tích rừng bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để phục hồi lại rừng nhưng kết quả mang lại vẫn chưa cao. Hiện UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương và các chủ rừng tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, để phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các vi phạm, kiểm soát không để phát sinh mới việc người dân lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm rẫy.  Đồng thời, huyện có phương án xử lý rốt ráo, kiên quyết thu hồi những diện tích bị lấn chiếm trồng lại rừng theo đúng quy hoạch.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc