Multimedia Đọc Báo in

Cải cách thủ tục hành chính thuế - Đâu là yếu tố quyết định?

09:43, 24/05/2016

Triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành thuế đã triển khai nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, theo đánh giá của một số người có trách nhiệm, kết quả của việc cải cách mới chỉ dừng lại ở lý thuyết mà chưa thật sự mang lại hiệu quả thiết thực.

Một trong những mục tiêu lớn nhất mà ngành thuế tỉnh đã và đang hướng đến là giảm TTHC xuống 121,5 giờ/năm. Để đạt được mục tiêu đó, các đơn vị trực thuộc Cục Thuế tỉnh đã thực hiện rà soát giảm tối thiểu 10% số TTHC thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% số TTHC thuế theo hướng giảm số chứng từ trong hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế; sửa đổi, bổ sung 100% quy trình liên quan đến kê khai, nộp thuế theo nội dung cải cách TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực thuế. Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi, thay thế, bãi bỏ 32 TTHC thuế, trong đó có 13 TTHC thuộc cấp Cục Thuế và 19 thuộc cấp Chi cục Thuế buộc ngành Thuế địa phương phải thực hiện. Quan trọng hơn, những thay đổi đó thể hiện rõ quan điểm lấy người nộp thuế (NNT) làm trung tâm của quá trình cải cách, chuyển những phần việc khó khăn và bất lợi phải làm trong quản lý thuế cho cơ quan thuế, dành mọi thuận lợi cho NNT.

Bộ phận một cửa (Cục Thuế tỉnh) tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế.
Bộ phận một cửa (Cục Thuế tỉnh) tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế.

Cải cách TTHC là nhiệm vụ thường xuyên của ngành Thuế. Thực tế là ngành Thuế tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh quá trình cải cách TTHC như ứng dụng công nghệ thông tin (kê khai thuế điện tử và nộp thuế qua mạng Internet); triển khai hiệu quả quy trình một cửa liên thông giữa cơ quan Thuế với các ngành liên quan như Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường, Kho bạc; triển khai các dịch vụ thuế điện tử để giúp NNT có thể tra cứu thông tin hỗ trợ 24/24 nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả. Cùng với đó, Ngành Thuế cũng đã phối hợp với ngành chức năng và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT thực thi tốt chính sách, pháp luật thuế… Phải thừa nhận những nỗ lực của ngành Thuế, nhưng NNT vẫn còn “kêu” về TTHC thuế, nhất là về sự phiền hà, máy móc của các đơn vị trực tiếp thực hiện giao dịch với NNT. Như Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn thừa nhận, cải cách TTHC thuế là nhiệm vụ trọng tâm và phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay, nhưng vấn đề đáng ngại và gây băn khoăn nhất vẫn là yếu tố con người. Điều này thể hiện rõ trong việc từ đầu năm đến nay, đơn vị vẫn phải tiếp nhận đến 25 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ trong ngành. Trong đó đáng chú ý các khiếu nại chủ yếu về thực hiện quy trình nghiệp vụ của cán bộ thuế, gây khó khăn cho NNT. Do vậy, bên cạnh việc phải công khai, minh bạch TTHC thuế, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để NTT hiểu và thực hiện đúng pháp luật thuế… thì điều quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Thuế ngoài tinh thông nghiệp vụ phải có tâm huyết, nhiệt tình trong công việc mới có thể cải cách hành chính thành công được.

Có thể nói, cải cách TTHC thuế đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ khung pháp lý đến người thực hiện. Hiện nay, về cơ chế, chính sách đang dần được tháo gỡ, vấn đề còn lại là những người thực hiện cần bảo đảm thực thi đúng và đầy đủ…

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.