Để giúp doanh nghiệp "lớn"…
Ngày 28-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, Nghị quyết đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là: Xử lý nghiêm người đứng đầu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; kiến nghị bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp; tháo gỡ vướng mắc về chứng nhận hợp quy, kiểm tra hàng nhập khẩu; đơn giản hóa thủ tục tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp; cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng; sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm; mở diễn đàn tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách; thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Ngay sau khi nghị quyết này được ban hành, ngày 29-4-2016, tại Hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp năm 2016, quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện và xây dựng môi trường kinh doanh cũng như khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế đất nước của doanh nghiệp Việt Nam một lần nữa thể hiện. Lắng nghe, tiếp thu những phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn khi cho rằng môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Ngay chiều cùng ngày sau khi kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng với các thành viên Chính phủ đã tiến hành cuộc họp để bàn, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp.
Những quyết nghị vừa qua của người đứng đầu Chính phủ thực sự đang làm nức lòng doanh nghiệp. Nhưng điều mà họ kỳ vọng hơn cả là nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, quyết tâm không chỉ thể hiện trên văn bản giấy tờ mà bằng hành động, việc làm cụ thể. Bởi trên thực tế nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cũng đã được đưa ra nhưng hiệu quả thực hiện còn hạn chế. Minh chứng là qua kết quả điều tra PCI 2015 cho thấy hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết các khoản chi phí không chính thức này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ; có tới 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí không chính thức tăng qua các năm, từ 50% năm 2013 lên 64,5% năm 2014 và 66% năm 2015. Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm tuyệt đại đa số với con số khoảng 97%. Tuy vậy họ lại là đối tượng “yếu thế” trong nắm bắt cơ hội thị trường; chưa kể đến những yếu tố khác như: tiếp cận đất đai, nguồn vốn, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp, họ cũng bị lép vế hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Về mặt hành lang pháp lý, họ còn chung một gánh nặng, đó là công tác thanh tra, kiểm tra vẫn có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung; thủ tục hành chính dù đã và đang được các ngành, các địa phương cố gắng tạo sự thông thoáng nhưng thực tế nhiều nơi, nhiều thủ tục vẫn phiền phức, nhiêu khê. Những trở ngại ấy cũng là nguyên do lý giải vì sao doanh nghiệp “khó lớn” và “ngại lớn”…! Hy vọng những động thái vừa qua từ phía Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và các bộ ngành, địa phương sẽ là liều thuốc tích cực giúp doanh nghiệp yên tâm để “lớn”…
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc