Multimedia Đọc Báo in

Về làng miến Chi Lăng

17:07, 15/05/2016

Nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chưa đến 10 km, nghề làm miến ở Tổ dân phố 1 và 2 (còn gọi là giáo xứ Chi Lăng), phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột không chỉ giúp nhiều gia đình có nguồn kinh tế ổn định, từng bước vươn lên làm giàu mà còn góp phần tạo nên thương hiệu “Làng miến Chi Lăng”.

Sống với nghề

Nghề làm miến dong ở phường Khánh Xuân đã duy trì hàng chục năm nay và cung cấp miến không chỉ cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh mà đã từng bước vươn ra các tỉnh lân cận. Nghề truyền thống là niềm tự hào của người dân nơi đây bởi nó đã làm thay đổi cuộc sống bao gia đình.  Gắn bó với nghề đã lâu nên hầu hết người làm miến dong đều hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn để làm nên thành phẩm, bởi tất cả các công đoạn sản xuất đều rất tỉ mỉ, phải làm thủ công và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Những hôm trời nắng mới có thể làm, còn ngày mưa hoặc thời tiết ẩm ướt thì phải nghỉ vì có làm sản phẩm cũng hư hỏng hoặc không đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Văn Chữ (Tổ dân phố 1) là người có thâm niên trong nghề làm miến dong ở phường cho biết: “Nghề làm miến tuy không đòi hỏi phải học qua trường, lớp nhưng cũng lắm công phu. Quy trình sản xuất qua nhiều công đoạn từ việc chọn nguyên liệu là bột dong chất lượng tốt rồi đến khâu lọc bột phải qua 5 đến 7 lần, công đoạn trộn bột phải tỉ mỉ bởi nếu cách trộn bột không đều, không sánh sẽ làm cho miến không được bóng, vón cục và khi sử dụng miến sẽ bị nhão... Sau những công đoạn này là tráng bột, phơi với thời gian nhất định mới hoàn thành quy trình làm miến”. Được biết, mỗi ngày gia đình ông Chữ sản xuất từ 80-100 kg miến dong, vào mùa Tết tăng lên khoảng 150 kg nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Với giá miến từ 35-55 nghìn đồng/kg đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, nhờ nghề này, gia đình ông Chữ đã tạo việc làm cho từ 3-5 lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức lương từ 3-3,5 triệu đồng/tháng.

Chị Hiệp đóng gói miến dong để giao cho khách hàng.
Chị Hiệp đóng gói miến dong để giao cho khách hàng.

Chị Cao Thế Trần Hiệp (Tổ dân phố 1) gắn bó với nghề làm miến dong hơn 20 năm, trải qua những thăng trầm của nghề, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mặc dù mỗi ngày chỉ tiêu thụ được khoảng 40 kg nhưng chị phải sản xuất gần 1 tạ, bởi nghề này không phải mùa nào cũng làm được nên phải làm sẵn đề phòng khi trời mưa gió vẫn có nguồn hàng cung cấp cho các thương lái đến thu mua. Những ngày đầu mới theo nghề, chị chỉ có thể làm với số lượng rất ít, khoảng 20 kg/ngày bởi đầu ra không ổn định và không đủ nguồn vốn để nhập nguyên vật liệu sản xuất. Theo chị Hiệp, bột làm miến phải nhập từ các tỉnh phía Bắc vào chứ nguồn nguyên liệu ở đây dù có nhưng chất lượng lại không bằng, thành phẩm cũng không được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, các công đoạn làm miến của gia đình chị chủ yếu bằng thủ công, do vậy chị phải thuê thêm 4 lao động để kịp tiến độ sản xuất. Chị Hiệp tâm sự: “Nhờ nghề làm miến dong tôi mới có đủ điều kiện để lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn học và điều trị bệnh thận cho chồng. Chỉ mong đầu ra luôn ổn định để tôi có thể tiếp tục duy trì nghề”.

Còn đó những nỗi niềm

Nghề làm miến dong ở phường Khánh Xuân xuất hiện từ những năm 1975, thời điểm đó, có rất nhiều gia đình theo nghề và chủ yếu làm bằng thủ công và ở quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ sản xuất từ 10-20 kg/ngày. Do nguồn thu nhập không ổn định nên về sau nhiều hộ đã bỏ nghề cha ông để lại; mặc khác, vì lượng tiêu thụ giảm nên nhiều hộ chuyển sang làm miến gạo, bún, phở khô, bánh tráng... Hiện nay, hầu hết các gia đình vẫn chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công, có rất ít gia đình đầu tư hệ thống máy móc phục vụ việc sản xuất bởi lượng tiêu thụ sản phẩm quá ít. Do đó, một số hộ có điều kiện chỉ có thể tìm tòi cải tiến máy móc nhằm giảm sức lao động trong một số công đoạn như lọc, khuấy bột, tráng, cắt sợi miến. Ông Nguyễn Xuân Thăng, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết: “Hiện nay, hoạt động sản xuất miến dong còn theo quy mô hộ gia đình nên việc tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm đều do người dân tự lo. Bên cạnh những hộ sản xuất gặp nhiều thuận lợi như gia đình ông Chữ (trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 70-80 kg) hay gia đình chị Hiệp thì vẫn còn nhiều hộ gặp khó khăn trong việc tìm đầu mối tiêu thụ. Chính vì vậy, theo thống kê đến bây giờ chỉ còn khoảng 10 hộ gắn bó với nghề”.

Công đoạn tráng miến dong bằng máy tại một cơ sở sản xuất ở phường Khánh Xuân.
Công đoạn tráng miến dong bằng máy tại một cơ sở sản xuất ở phường Khánh Xuân.

Một khó khăn mà các hộ làm miến dong đang gặp phải là thiếu vốn đầu tư, trong khi đó chính quyền địa phương cũng chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng sản xuất. Mặc khác, người dân vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu mà vẫn phải nhập từ các nơi về nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, dù trước đó không ít hộ cũng đã thử nghiệm trồng xen canh cây dong vào các vườn cà phê nhưng do không có hiệu quả nên đành từ bỏ. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải do các hộ sản xuất đổ thẳng ra khe suối, cống rãnh mà không qua xử lý cũng là vấn đề được chính quyền địa phương quan tâm; tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để mà chủ yếu là tuyên truyền, vận động họ hạn chế việc xả thải ra môi trường.

Biết rằng, nghề làm miến dong đã làm giúp nhiều gia đình “đổi đời”, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, nhưng để làng nghề phát triển bền vững và ổn định, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường rất cần giải pháp tháo gỡ những khó khăn trên.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc