Multimedia Đọc Báo in

Hạn hán kéo dài: Cà phê đối mặt với nguy cơ mất mùa

10:16, 04/05/2016
Cà phê là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính cho các vùng nông thôn Đắk Lắk, nhưng năm nay do nắng hạn kéo dài khiến diện tích cà phê bị hạn không ngừng gia tăng, nhiều nơi có nguy cơ bị mất trắng.

Đỏ mắt tìm nước tưới

Gia đình anh Y Man Bkrông ở thôn 7, xã Ea Hồ (Krông Năng) có 1,5 ha cà phê cho hay, năm nay nắng hạn kéo dài hơn so với năm trước, gia đình phải xin dùng nhờ nước sinh hoạt của các hộ lân cận hơn 2 tháng nay, còn vườn cà phê đã bị héo úa, chỉ cầm chừng được vài tuần nữa. Nhiều hộ dân trong thôn vay mượn tiền để khoan giếng với độ sâu trên dưới 100 m nhưng vẫn không có nước, giờ chỉ biết trông chờ vào nước trời mà thôi. Tương tự, hơn 1 tháng nay gia đình bà Nguyễn Thị Đào ở thôn Sơn Lộc, xã Cư Huê (Ea Kar) phải xoay xở tiền để mua nước sản xuất và sinh hoạt khiến cuộc sống càng thêm chật vật. Vừa qua, bà đã vay ngân hàng 20 triệu đồng để khoan giếng lấy nước sinh hoạt, chăn nuôi và cứu vườn cà phê xen canh tiêu (nguồn thu nhập chính của gia đình 4 người) nhưng đã khoan sâu 65 m vẫn không có nước. Nhìn vườn cây đang héo khô từng ngày bà xót xa, nếu đến hết tháng 4 không có mưa thì vườn cà phê, tiêu sẽ chết, gia đình bà trắng tay.

Vườn cà phê xen canh cây ăn quả tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc.
Vườn cà phê xen canh cây ăn quả tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắc.

Còn tại vùng trọng điểm cà phê ở Cư M’gar cũng đang trông nước từng ngày. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 36.000 ha cà phê, trong đó diện tích bị ảnh hưởng do hạn hán gần 5.000 ha. Người dân địa phương đã cố gắng tìm mọi cách để có nước sinh hoạt, sản xuất từ việc khoan giếng, bơm chuyền, chuyển nước bằng xe bồn, thùng phuy về vùng hạn nhưng chỉ cầm cự được thời gian ngắn nữa mà thôi bởi mực nước tại các hồ đập đang tụt giảm mạnh, thậm chí cạn trơ đáy. Ngày 18-4, trên địa bàn huyện đã xuất hiện mưa nhưng lượng mưa rất thấp, không đồng đều, các vùng trọng điểm hạn như xã Cư M’gar, Ea Tar, Ea Kiết, Ea M’droh không có mưa, nguy cơ mất mùa đang hiện hữu trên từng vườn cây.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 32.900 ha cà phê bị hạn, trong đó mất trắng 4.431 ha và số diện tích bị ảnh hưởng đang tiếp tục gia tăng, đe dọa trực tiếp đến năng suất, chất lượng, sản lượng cà phê niên vụ 2016 - 2017.

Cần lồng ghép nhiều giải pháp để ứng phó với hạn hán

Cà phê là cây công nghiệp dài ngày, cần có nhiều cây che bóng, chắn gió, nhưng chỉ vì chút lợi trước mắt nên nhiều nông dân đã chặt bỏ hành lang che bóng, chắn gió trong vườn để tăng số lượng cây trồng, nhưng chỉ sau vài năm đã dẫn đến hệ quả là cây cà phê bị kiệt sức, năng suất giảm. Đặc biệt, việc tận diệt hành lang che bóng, chắn gió trong vườn cây khiến mùa nắng cây không được che chắn, cà phê có chiều hướng già trước tuổi. Ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, do nắng hạn kéo dài, các loại cây trồng đều bị thiệt hại, riêng với cây cà phê thì mức độ thiệt hại lớn hơn do phần lớn đã già cỗi, sức đề kháng yếu. Vì vậy, khi đã áp dụng mọi biện pháp để tìm nước tưới chống hạn cho cà phê không được thì bà con có thể cưa đốn, tủ gốc để hạn chế sự thoát hơi nước, giữ lại sự sống vườn cây. Khi mưa về, cây nảy chồi thì có thể kết hợp ghép, cải tạo vườn cây; tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Cùng chung mối lo này, tiến sĩ Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chia sẻ, tùy theo từng khu vực mà mực nước ngầm suy giảm khác nhau nhưng nhìn chung nước ngầm tụt giảm khoảng 5m trong vài năm trở lại đây và ngày càng giảm mạnh do hệ sinh thái bị tác động tiêu cực, rừng giảm, sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững... Trong khi đó, bản thân cây cà phê lại cần rất nhiều nước, chỉ sau cây lúa, do đó các địa phương cần chủ động kết hợp thực hiện nhiều giải pháp thích ứng với hạn hán như lựa chọn cây giống phù hợp, có khả năng chịu hạn tốt, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân qua gốc để bổ sung dinh dưỡng cho cây mùa khô, sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm tăng sức đề kháng, cải thiện thể trạng vườn cây. Trong đó, giải pháp trồng xen cà phê với cây ăn quả, hồ tiêu kết hợp với tưới nước tiết kiệm để hình thành từng tiểu vùng khí hậu thích hợp với nguồn gốc bản thể của cây cà phê – cây vốn sống trong rừng là giải pháp đơn giản, tốn ít chi phí nhất nhưng vẫn góp phần gia tăng thu nhập cho bà con.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.