Nợ đọng thuế tiếp tục tăng
Nợ thuế đã và đang là thách thức không nhỏ đối với ngân sách Nhà nước. Nhiệm vụ hạn chế phát sinh và thu hồi nợ đọng thuế đang đặt ra “bài toán” khó cho ngành Thuế.
Nợ thuế tăng mạnh
Tính đến hết quý I-2016, tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh là hơn 600 tỷ đồng, trong đó nhóm nợ đến 90 ngày trên 61,8 tỷ đồng, trên 90 ngày hơn 83,5 tỷ đồng, đang khiếu nại gần 2,8 tỷ đồng, nhóm nợ chờ xử trên 6,1 tỷ đồng, nhóm nợ khó thu gần 446 tỷ đồng. Như vậy, đến hết quý I-2016, tổng số nợ thuế tăng so với cuối năm 2015 là 52 tỷ 497 triệu đồng, tương đương tăng 9,5%, trong đó nợ khó thu tăng đến 7,9%. Qua phân loại nợ đọng thuế, nợ khó thu chiếm tỷ trọng trên 79% tổng nợ. Lĩnh vực nợ lớn chủ yếu là ở kinh doanh nông sản phát sinh từ năm 2012 trở về trước. Ngoài tiền nộp chậm, trong những tháng đầu năm 2016 còn phát sinh nợ mới trên 32 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dưới 60 ngày. Đáng chú ý, toàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị (Chi cục Thuế huyện Krông Bông và huyện M’Đrắk) đạt chỉ tiêu giảm nợ thuế, các đơn vị còn lại đều để nợ thuế tăng lên. Trong đó nhiều đơn vị để số nợ thuế tăng lớn như Văn phòng Cục tăng gần 7,5 tỷ đồng, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột tăng gần 35 tỷ đồng, Ea H’leo tăng trên 4 tỷ đồng, Cư M’gar tăng gần 4,3 tỷ đồng, Ea Kar tăng trên 4,2 tỷ đồng…
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Cư M’gar kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn. |
Theo phân tích của ngành Thuế, bên cạnh nguyên nhân khách quan là tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, có rất nhiều doanh nghiệp (DN) cố tình chây ỳ việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Điều này thể hiện rõ qua việc thanh, kiểm tra 22 trường hợp, truy thu và xử phạt vi phạm hành chính sau thanh tra 5,3 tỷ đồng, giảm lỗ 2,1 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 820 triệu đồng. Ngoài ra, ngành cũng đã kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế 139 cuộc, truy thu và xử phạt vi phạm hành chính trên 5,9 tỷ đồng. Cùng với đó, sau hai đợt công khai 107 DN nợ thuế lên đến gần 63 tỷ đồng, đã có không ít DN trong danh sách cũng như các DN nằm ngoài danh sách đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào ngân sách Nhà nước hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế cam kết thời hạn nộp tiền nợ thuế, qua đó ngành Thuế đã thu hồi được trên 3,5 tỷ đồng. Rõ ràng, tình trạng chây ỳ nộp thuế sẽ tiếp tục diễn ra nếu cơ quan thuế không thực hiện các biện pháp “kỹ thuật” như đã kể trên.
“Siết” nợ đọng thuế
Hiện tại, tỷ lệ nợ thuế của ngành Thuế tỉnh là 9,5% và buộc phải giảm xuống dưới mức 5% từ nay đến hết năm 2016 (theo chỉ tiêu Tổng Cục Thuế giao). Đây thật sự là một thách thức, bởi trong tình hình kinh tế hiện nay, nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thiên tai, hạn hán gây thiệt hại nặng nề; ngân sách Nhà nước chưa thanh toán vốn xây dựng cơ bản… dẫn đến không có khả năng nộp thuế. Cục Thuế tỉnh khẳng định, trong thời gian tới sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế và sẽ không có trường hợp ngoại lệ đối với những trường hợp bị cưỡng chế theo quy định. Riêng số tiền tăng thêm qua công tác thanh, kiểm tra sẽ gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, bộ phận chuyên môn để tránh sai sót và kịp thời đôn đốc người nộp thuế nộp ngay vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với người nộp thuế, việc “siết” thu hồi nợ đọng thuế cũng sẽ được thực hiện một cách thận trọng. Theo đó, cơ quan thuế phải phân loại, phân tích rõ nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng nhằm có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả, như động viên DN có kế hoạch phân chia nguồn tiền để bảo đảm vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền trả nợ thuế; bước cuối cùng mới sử dụng biện pháp mạnh như khi DN nợ thuế từ 61-90 ngày, cơ quan thuế sẽ đề nghị DN cung cấp thông tin tài khoản; từ 90 ngày mà vẫn không nộp thuế thì trích tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; đề nghị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của DN.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc