Phát huy vai trò của kinh tế HTX trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Thời gian gần đây, kinh tế HTX trên địa bàn Đắk Lắk đã có bước chuyển mình tích cực, nhất là các HTX nông nghiệp khi mà phần lớn các HTX không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Điều này cũng góp phần khẳng định vị trí, vai trò của HTX trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Những chuyển biến tích cực
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, đến hết quý I-2016, toàn tỉnh có 3 Liên hiệp HTX và 357 HTX, trong đó có 241 HTX hoạt động, 116 HTX ngừng hoạt động. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các HTX đa dạng hơn, một số HTX tiếp tục tăng vốn điều lệ và mở rộng ngành nghề, hướng đến dịch vụ phục vụ thành viên và cộng đồng như vệ sinh môi trường, dịch vụ kinh doanh chợ, chế biến và tiêu thụ nông sản, cung cấp cây con giống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên. Các HTX đã từng bước được củng cố, tổ chức và hoạt động theo Luật HTX năm 2012; HTX tồn tại hình thức, HTX danh nghĩa cơ bản đã được xử lý, làm cho hình ảnh của HTX được cải thiện, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia HTX. Đáng chú ý là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều HTX đã từng bước đổi mới phương thức sản xuất theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, phát triển các ngành nghề, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thành viên và các hộ nông dân; giúp hộ thành viên tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu trong lĩnh vực này là HTX nông nghiệp công bằng Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar), ngoài việc thu hút được các thành viên tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, HTX còn đầu tư chế biến cà phê bột chất lượng cao. Mặc dù, bước đầu mới sản xuất ở quy mô nhỏ và trong giai đoạn thăm dò thị trường nhưng đã được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Hay HTX nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Tân Định (huyện Krông Năng) đã nghiên cứu và áp dụng thành công dây chuyền chế biến mắc ca sấy tách vỏ, hiện HTX đang tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm do HTX sản xuất. Ngoài ra, còn nhiều HTX về ca cao, cà phê đang triển khai các bước tập huấn, hướng dẫn quy trình cho thành viên để chuẩn bị cho đợt đánh giá cấp chứng nhận Flo (Thương mại công bằng) cho sản phẩm của HTX. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác xã tỉnh hồi cuối tháng 4-2016 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh đã đánh giá, đến hết quý I-2016, các HTX của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng lẫn quy mô hoạt động, đặc biệt đã đóng góp rõ nét hơn cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của Liên minh HTX tỉnh trong việc chủ động tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư để kết nối các HTX với doanh nghiệp, dự án để phát triển sản xuất bền vững, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và ổn định thị trường đầu ra.
Vườn cây mắc ca của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Tân Định (huyện Krông Năng). |
Vai trò “bà đỡ” được thể hiện rõ nét
Thực tế cho thấy, để thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động đề xuất với UBND tỉnh thành lập đoàn làm việc trực tiếp với Liên minh HTX Việt Nam, qua đó đã xây dựng được chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho kinh tế HTX. Việc làm này được đánh giá rất cao khi đây là lần đầu tiên và cũng là tỉnh đầu tiên chủ động phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam để hỗ trợ cho các HTX trong tỉnh phát triển có hiệu quả. Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với tỉnh mở các lớp tuyên truyền về Luật HTX 2012, tổ chức hướng dẫn các HTX tiếp cận với nguồn vốn cho vay của Trung ương và đã được chấp nhận về chủ trương cho 3 HTX của tỉnh vay vốn; phối hợp với tổ chức Thương mại công bằng Châu Á Thái Bình Dương (NAPP) hỗ trợ cho 2 HTX sản xuất và chế biến ca cao của tỉnh xây dựng tiêu chuẩn Thương mại Công Bằng (Fairtrade) cho ngành hàng ca cao tiến tới tiêu thụ sản phẩm ca cao ở thị trường nước ngoài (giai đoạn 2016-2017); xây dựng đề án hỗ trợ HTX kiểu mới gắn với chuỗi sản phẩm bền vững, gồm cà phê và ca cao với tổng kinh phí của đề án là 20 tỷ đồng… Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn chủ động liên hệ làm việc với các tổ chức hỗ trợ như Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI), Viện Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế HTX. Từ tháng 11-2015 đến nay, CDI đã hỗ trợ cho Liên minh HTX tỉnh gần 400 triệu đồng để thực hiện dự án “Cải thiện sinh kế cho người nghèo và người dân tộc thiểu số thông qua sản xuất cà phê bền vững và tiếp cận thị trường”; VIRI thực hiện dự án hỗ trợ cấp chứng nhận và tiếp cận thị trường cho các HTX ở lĩnh vực cà phê, ca cao và gia vị. Qua đó, đã tập huấn cho bà con về tiêu chuẩn sản xuất bền vững, hỗ trợ kinh phí để cấp chứng nhận cho các đơn vị lựa chọn (gồm: cà phê 3 HTX, ca cao 2, hồ tiêu 2). Các HTX này còn được hỗ trợ làm Profile (hồ sơ năng lực của HTX) để thuận lợi trong việc giao thương với thị trường trong và ngoài nước…
Hạt ca cao được phơi sấy sau khi lên men ở HTX Thành Đạt (huyện Ea Kar). |
Có thể thấy, chỉ trong thời gian ngắn nhưng Liên minh HTX tỉnh đã kéo về cho các HTX của tỉnh hàng loạt các dự án, chương trình phối hợp hỗ trợ, góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn về vốn, kỹ thuật sản xuất, đầu ra sản phẩm…Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, trong thời gian tới, Liên minh đặt kỳ vọng vào việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, gắn với mô hình sản xuất tập thể, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Phấn đấu mỗi địa bàn có một sản phẩm chủ lực làm đầu kéo để phát triển kinh tế địa phương. Để làm được điều này, rất cần Trung ương và tỉnh cụ thể hóa các chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư cho các HTX về kinh phí…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc