Phát triển chăn nuôi bò thịt cần đi đôi với chiến lược thị trường
Hiện nay, Đắk Lắk là địa phương có phong trào phát triển chăn nuôi mạnh ở khu vực Tây Nguyên, nhất là bò thịt với số lượng trên 170 nghìn con, sản lượng gần 10.500 tấn thịt hơi.
Đặc biệt, trong những năm gần đây khi tỉnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo định hướng hàng hóa thì ngành chăn nuôi được quan tâm nhiều hơn với các biện pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển sang chăn nuôi với quy mô hàng hoá, có chuồng trại và được hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật. Các địa phương còn đẩy mạnh công tác cải tạo con giống thông qua chương trình thụ tinh nhân tạo; cung cấp các giống bò ngoại như Zêbu, Brahman đỏ, trắng… cho các hộ gia đình để lai tạo ra các giống bò cái chất lượng tốt, năng suất cao, thay thế dần giống bò địa phương. Cùng với đó là chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn, thuê đất để đầu tư phát triển chăn nuôi bò... Hiện tỉnh đang có 6 dự án lớn đầu tư vào chăn nuôi bò thịt, bò sữa với tổng kinh phí trên 3 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, đây là những tín hiệu lạc quan về sự phát triển của ngành chăn nuôi tỉnh nhà song trên thực tế, trong nhiều các chương trình, dự án vẫn còn thiếu một yếu tố quan trọng, đó là chiến lược về phát triển thị trường, nhất là đối với chăn nuôi bò thịt ở quy mô nhỏ. Mặc dù, theo phân tích Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh tại “Hội thảo phát triển chăn nuôi bò thịt hàng hóa khu vực Tây Nguyên” tổ chức ngày 27-5 ở TP. Buôn Ma Thuột thì nhu cầu tiêu dùng thịt bò của Việt Nam đang và sẽ tăng nhanh do thu nhập tăng cao, mức sống được cải thiện và sản xuất thịt bò trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa đặc biệt thị bò chất lượng cao, tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam thực thi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu chỉ tập trung vào việc kích thích chăn nuôi phát triển mà không quan tâm đúng mức đến việc xây dựng chiến lược về phát triển thị trường cho bò thịt nội địa thì có thể chúng ta sẽ thua đau ngay trên sân nhà, bởi hiện nay người chăn nuôi đã phải đối mặt với tình trạng nhập khẩu bò thịt và thịt bò từ nước ngoài ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước do giá nhập từ nước ngoài thấp hơn giá trong nước.
Rõ ràng, chăn nuôi ở Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên đang phát triển khá mạnh nhưng vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chiếm khoảng 50%. Do vậy, cho dù thị trường tiềm năng đến đâu thì cũng cần có chiến lược phát triển thị trường phù hợp với đặc điểm chăn nuôi của vùng, nhất là đối với bò thịt - một sản phẩm chăn nuôi được xem là chủ lực trong hội nhập TPP của vùng Tây Nguyên nói chung và của Đắk Lắk nói riêng trước khi quá muộn.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc