Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Siết chặt quản lý đất đai và trật tự xây dựng (Kỳ I)

10:40, 31/05/2016

Trước tình trạng vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng đang diễn ra phức tạp, TP. Buôn Ma Thuột kiên quyết tháo dỡ những công trình, xử phạt những tổ chức, cá nhân vi phạm để bảo đảm quy hoạch đô thị.

Kỳ 1:  “Nóng” tình trạng vi phạm về đất đai và xây dựng trái phép

Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp để phân lô bán nền, xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm, san lấp mặt bằng không đúng quy định diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng gây ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch đô thị.

“Xẻ thịt” đất nông nghiệp

Thời gian qua, dư luận khá bức xúc trước tình trạng một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại các xã, phường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vi phạm về chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp để phân lô bán nền; cho thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt; lấn chiếm, san lấp mặt bằng không đúng quy định… Thực trạng này càng “nóng” lên trong khoảng 3 năm trở lại đây khi dự án đường vành đai phía tây TP. Buôn Ma Thuột được khởi công và đưa vào sử dụng. Được biết, sau khi có con đường này đi qua, nhiều hộ gia đình và cá nhân đã mở đường tự phát trên đất nông nghiệp rồi phân lô bán nền. Chạy dọc tuyến đường vành đai phía Tây, đặc biệt đoạn qua phường Tân Lợi và xã Cư Êbur, theo quan sát của chúng tôi, xuất hiện khá nhiều tấm biển bán đất kèm theo số điện thoại được treo trên các cành cây hay cắm cọc dưới đất để khách hàng biết và liên hệ; trong đó có biển bán ghi cả diện tích đất, giá tiền và hỗ trợ vay vốn ngân hàng lên đến 70%! Điều đáng nói hầu hết diện tích đất treo biển bán đều đã chặt bỏ hết cây trồng và san lấp mặt bằng; tuy nhiên vẫn có nơi cắm biển bán đất trong khi vẫn đang trồng cà phê, cây ăn quả. Đi sâu vào hai bên đường, nhiều khu vực đã được phân lô, kéo đường dây điện được rao bán với giá từ 100 - 200 triệu đồng/ lô (diện tích mỗi lô từ 100 m2 đến 200 m2) cho những người có nhu cầu xây dựng nhà ở , tập trung ở các phường như: Tân Lợi, Tân Tiến, Ea Tam, Thành Nhất, Tân Thành. Đơn cử như ở phường Tân Lợi, lực lượng chức năng đã phát hiện 46 công trình vi phạm về trật tự xây dựng, trong đó có 32 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp; ở phường Ea Tam trong số 34 công trình vi phạm thì có đến 33 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp; phường Tân Thành có 5/6 công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp…

Đất nông nghiệp được phân lô rao bán tại tổ dân phố 6, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Lê Thành
Đất nông nghiệp được phân lô rao bán tại tổ dân phố 6, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Lê Thành

Được biết, ngoài vi phạm nhỏ lẻ của các hộ gia đình, vẫn có không ít công trình đầu tư quy mô lớn xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng chưa được chính quyền sở tại xử lý kịp thời như: Nhà hàng cà phê Ea Nao (phường Tân An); nhà hàng Hoàng Kiên (phường Tự An); các sân bóng đá mi ni ở phường Tân Lợi, Tân Thành, Tân Tiến, Tân Lập; các nhà hàng khu vực đường Nguyễn Khuyến (phường Tân Lợi)… và một số khu vực dân cư tập trung khác ở những vùng ven thành phố như phường Thành Nhất, Ea Tam, Tân Tiến.

Đất được phân lô rao bán trên đường vành đai phía tây Buôn Ma Thuột đoạn qua phường Tân An
Đất được phân lô rao bán trên đường vành đai phía tây Buôn Ma Thuột đoạn qua phường Tân An

Lấn chiếm đất quy hoạch

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố xảy ra rất nhiều, không chỉ ở những khu vực là đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch là đất ở mà ngay cả những khu quy hoạch là đất công trình công cộng, dịch vụ thương mại cũng có nhiều hộ xây dựng công trình trái phép". Việc một số tổ chức, cá nhân ngang nhiên lấn chiếm, xây dựng công trình trên các khu đất đã được quy hoạch dự án chủ yếu diễn ra ở những dự án treo, hoặc chậm tiến độ do thiếu vốn đầu tư thực hiện. Đơn cử như ở khu quy hoạch (bao gồm đất ở cải tạo chỉnh trang, đất ở tái định cư) nằm cuối đường Ama Jhao và đường Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột). Tại đây, dù UBND thành phố đang triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn có trường hợp hộ dân tự ý xây dựng nhà gây bức xúc đối với những hộ chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật. Điều đáng nói là bên cạnh những hộ dân xây dựng tạm bợ thì vẫn có hộ đầu tư xây nhà ở kiên cố, từ 2-3 tầng với trị giá tiền tỷ.

Một khu đất nông nghiệp được phân lô bán nền trên đường vành đai phía tây Buôn Ma Thuột đoạn qua phường Tân Lợi.
Một khu đất nông nghiệp được phân lô bán nền trên đường vành đai phía tây Buôn Ma Thuột đoạn qua phường Tân Lợi.

 Từ việc xây dựng công trình trên đất quy hoạch, ông Hưng cho biết sẽ dẫn đến những hệ  lụy như không chỉ làm phá vỡ quy hoạch phân khu mà đến khi triển khai đầu tư các dự án phát triển đô thị sẽ tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, làm gia tăng sự bất công trong xã hội. Đặc biệt, về tương lai sẽ thiếu các quỹ đất để đầu tư những công trình tiện tích cho xã hội như: công viên, khu vui chơi thể thao, bãi đậu đỗ xe, trường học, công trình y tế… Không những thế, khi giá trị đầu tư tăng cao do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng quá lớn so với chi phí đầu tư xây dựng sẽ dẫn đến việc khó thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác để phát triển đô thị. 

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.