Chuối Nam Mỹ trên đất Ea Súp
09:22, 21/06/2016
Mặc dù mới chỉ triển khai trồng được hơn 1 năm, nhưng vườn chuối Nam Mỹ của Công TNHH Hoàn Vũ (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp) đã cho thu những mẻ chuối đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn chuối, anh Hà Cẩm Bình, quản lý của Công ty Hoàn Vũ khẳng định, đất ở khu vực này khó có cây trồng nào phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế như chuối Nam Mỹ, bởi từ năm 2013 đến nay công ty đã triển khai trồng nhiều giống cây ăn quả trên vùng đất dự án như mít, xoài nhưng không mang lại hiệu quả, chỉ có cây chuối là bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Theo anh, chuối Nam Mỹ rất dễ trồng, ít kén đất, thời gian cho thu hoạch khoảng 12 tháng (trồng bằng cây giống nuôi cấy mô), cây sinh trưởng nhanh, khỏe và ít bệnh, năng suất bình quân từ 35 - 40kg/buồng chuối. Ngoài ra, mỗi gốc chuối Nam Mỹ có thể thu hoạch được 5 năm mới phải đào lên trồng mới. Theo đó, trên mỗi gốc cây mẹ, người trồng để 2 – 3 chồi con, các chồi còn lại tỉa bỏ, sau 4 tháng để thêm 1 chồi. Cứ theo đó người trồng sẽ có thu hoạch thường xuyên trên loài cây này. Ngoài ra, chuối Nam Mỹ cho năng suất cao, mỗi ha trồng được khoảng 2 ngàn cây cho thu hoạch lên đến 70 - 80 tấn chuối.
Thu hoạch chuối Nam Mỹ tại Công ty TNHH Hoàn Vũ (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp). |
Hiện nay, chuối già Nam Mỹ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá 10 ngàn đồng/kg. Với 60 ha chuối trồng từ năm 2015, đến nay công ty đã thu hoạch, xuất khẩu được khoảng 3.000 tấn chuối. Chuối sau khi được thu hoạch ở vườn sẽ được phân loại, đóng gói, vận chuyển bằng xe đông lạnh xuống Sài Gòn để xuất khẩu. Không chỉ mang lại doanh thu cho công ty mà cây trồng này còn tạo việc làm cho người dân ở xung quanh khu vực dự án. Đến nay, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 200 người dân, với thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng/người. Anh Đỗ Văn Hạnh (ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) hơn 1 năm nay nhận khoán chăm sóc 17 ha chuối cho công ty cho hay, với chừng đó diện tích nhận khoán cần khoảng 10 người làm việc thường xuyên, từ làm cỏ, bón phân, tưới tắm... Do chuối trồng để xuất khẩu nên việc chăm sóc cũng yêu cầu hết sức ngặt nghèo từ khi xuống giống cho đến thu hoạch. Đến kỳ thu chuối, mỗi ki-lô-gam chuối người nhận khoán sẽ được trả 1 ngàn đồng. Hình thức giao khoán này sẽ tạo ràng buộc quyền lợi giữa người lao động với công ty, nếu chăm sóc chuối tốt, năng suất cao thì tiền công của lao động được hưởng cũng được nâng lên.
Để có được thành quả như bây giờ, công ty cũng phải trầy trật mất mấy năm với loài cây này, như năm 2013 công ty đầu tư xuống giống 58 ha chuối, đến thời cây chuối sinh trưởng mạnh thì bị bò thả rông của người dân và hàng chục con voi rừng kéo vào phá sạch; năm 2014, công ty trồng mới 70 ha, khi chuối vừa trổ bông thì bị voi rừng và bò kéo vào tàn phá, không những không thu hoạch được buồng chuối nào mà doanh nghiệp còn phải đền bù hợp đồng cung cấp sản phẩm đã kí trước đó với đối tác nước ngoài. “Những khi voi rừng về, công ty phải huy động cả chục công nhân dăng hàng đốt lửa, khua vật dụng, đốt bình ga mini tạo tiếng động để đuổi nhưng đàn voi không chịu đi, chúng vẫn lì lợm ở lại hết ăn rồi phá”, anh Bình kể.
Với những hiệu quả bước đầu, hiện nay Công ty TNHH Hoàn Vũ đang tìm kiếm đối tác để xuất khẩu sang các nước Trung Đông, Nhật Bản. Khi đó công ty sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều lao động cho người dân tại địa phương. “Nhiều lãnh đạo của các địa phương trong tỉnh cũng đã đến đây tham quan, học tập mô hình này, chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật với mong muốn nhân rộng mô hình, góp phần đang dạng hóa cây trồng cho ngành nông nghiệp của địa phương”, anh Hà Cẩm Bình cho biết thêm.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc