Đau đầu với nạn trộm các loại giống cây trồng
09:27, 21/06/2016
Khi nỗi lo lắng vì nạn mất trộm cà phê, tiêu vào mùa thu hoạch tạm lắng xuống thì người nông dân lại thêm nỗi lo về nạn trộm cắp các loại giống cây khi mới vừa bén rễ.
Ông Lường Hữu Hồng ở TP. Buôn Ma Thuột có 2 ha cà phê ở huyện Krông Pắc, gần như năm nào đến mùa thu hoạch, gia đình ông cũng bị mất trộm đến 1/3 số cà phê trong vườn. Do điều kiện ở xa, rẫy cà phê của ông lại nằm xa nguồn nước nên gia đình ông quyết định chuyển đổi dần sang trồng cây ăn trái. Thế nhưng gần 50 cây bơ booth 7 của gia đình ông mới được trồng xen trong vườn cà phê vừa 2 tháng đã bị nhổ trộm. Nhìn vườn bơ đang mùa mưa lên mơn mởn bị nhổ sạch không còn một cây, ông chỉ biết thở dài ngao ngán. Mới đây, khi mua giống để trồng lại mà tâm trạng phập phồng bởi ông lo lắng không biết “số phận” của những cây bơ này có được “an phận” trên đất rẫy nhà mình hay không!
Còn gia đình bà Lê Thị Nhàn ở huyện Krông Pắc, tuy không bị nhổ cây nhưng mấy chục ngọn bơ booth trồng vừa lên xanh trong vườn nhà cũng bị cắt gọn gàng. Chuyện của những người nông dân bị nhổ trộm giống cây ăn trái chua xót là vậy nhưng có lẽ cay đắng hơn chính là hàng trăm trụ tiêu của người dân ở xã Ea Kpam huyện Cư M’gar liên tục bị nhổ trộm trong thời gian qua.
Chính “cơn sốt” hồ tiêu đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng cây giống, ở các vùng trọng điểm trồng tiêu như: Cư M’gar, Krông Năng, Cư Kuin… đều có vấn nạn này. Không chỉ nhổ trộm cây vừa mới bén rễ, ngay cả những dây tiêu lên xanh tốt, chuẩn bị cho thu hoạch cũng bị cắt trộm. Với thủ đoạn lợi dụng thời điểm ban đêm, khi chủ rẫy không có mặt để nhổ hoặc cắt trộm nên các đối tượng này rất khó bị phát hiện.
Điều đáng nói, nhiều kẻ khi bị người dân truy đuổi thì sẵn sàng chống trả, sau đó quay lại tìm cơ hội để “trả thù”. Trong khi đó, việc ngăn chặn từ phía các cơ quan chức năng cũng như điều tra các đối tượng trộm tiêu lại gặp khó và được lý giải do nhiều nguyên nhân: vườn tiêu bị trộm nhòm ngó thường nằm xa khu dân cư; đối tượng thường tổ chức đi từng nhóm và thường xuyên cắt cử người canh gác nên khi thấy động là chúng lẩn trốn rất nhanh, rất khó bắt quả tang; người dân sợ bị trả thù, không trình báo hoặc trình báo quá chậm, gây khó khăn cho công tác điều tra…
Cho nên, để bảo vệ tài sản của mình, nhiều hộ dân đã dọn luôn nhà vào rẫy. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời và bất đắc dĩ. Thiết nghĩ, ngoài việc người dân liên kết chung tay giữ gìn tài sản cho nhau, ngành chức năng, nhất là chính quyền địa phương cấp xã cần tăng cường hơn nữa việc tổ chức lực lượng, thành tập các tổ tuần tra, canh gác, bảo vệ tài sản của người dân, đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm những đối tượng trộm cắp gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc