Multimedia Đọc Báo in

Diện tích ngô lai ở các xã vùng sâu huyện Krông Bông giảm mạnh

09:25, 21/06/2016
Thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở 4 xã cánh đông huyện Krông Bông là Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao, cây ngô lai đã từng là cây nông nghiệp chủ lực của những xã nói trên trong nhiều năm qua. Mỗi năm, các xã này gieo trồng trên 5.000 ha với sản lượng hơn 40.000 tấn ngô hạt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá cả bấp bênh, năng suất giảm, đầu tư nhiều, lãi ít nên diện tích cây ngô lai vùng này đã giảm gần một nửa, nhiều nông dân đã dần chuyển đổi sang cây trồng khác…
 
Xã Hòa Phong có diện tích đất bằng tương đối nhiều, phù hợp với cây ngô lai nhưng cũng giảm hơn 200 ha, còn xã Yang Mao cũng giảm hơn 400 ha. Ông Y Nguyên Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Mao cho biết: “Hiện nay xã Yang Mao chỉ còn 830 ha ngô lai, giảm nhiều so với trước. Diện tích đất đồi dốc trước kia chủ yếu trồng ngô, trồng lúa giờ đã chuyển sang trồng sắn”.  
Bà con xã Cư Pui vào vụ thu hoạch ngô lai.
Bà con xã Cư Pui vào vụ thu hoạch ngô lai.
Diện tích ngô lai giảm nhiều nhất là xã Cư Pui với gần 1.000 ha. Những năm trước, bà con xã Cư Pui gieo trồng gần 2.000 ha ngô lai mỗi vụ, do hợp thời tiết, đất mới, màu mỡ, năng suất cao, được giá; bây giờ thì giá cả bấp bênh nên mỗi vụ bà con chỉ gieo trồng khoảng 1.000 ha. Ông Ama Hoa (buôn Khanh) vốn được mệnh danh là triệu phú ngô lai ở xã Cư Pui. Gia đình ông có hơn 4 ha ngô lai, mỗi vụ thu hoạch gần 40 tấn ngô hạt, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay Ama Hoa chỉ để lại 2 ha trồng ngô lai còn lại chuyển đổi sang cây trồng khác. Ông giải thích: “Giờ trồng ngô lai ít có lãi. Giá bán thấp mà giá giống, phân bón, công cày bừa, công thuê mướn… đều cao, năng suất thì ngày một giảm do thời tiết thất thường, đất bạc màu”.
 
Diện tích ngô lai được bà con các xã nói trên chủ yếu chuyển đổi sang trồng sắn. Chỉ từ năm 2013 đến nay, diện tích sắn của 4 xã cánh đông huyện Krông Bông đã tăng lên hơn 3.000 ha, nhiều nhất là tại các thôn người Mông ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm. Ông Giàng Văn Thống ở thôn Nao Huh (xã Cư Đrăm) cho hay: “Nhà có hơn 2 ha đất rẫy, trước đây chủ yếu trồng ngô lai, giờ đã chuyển đổi sang trồng sắn, cà phê và hồ tiêu”. 
 
Thiết nghĩ, chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết là điều cần thiết, cần khuyến khích bà con nông dân để tăng năng suất, tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cũng cần thận trọng. Chuyển đổi ồ ạt, tự phát, chạy theo phong trào, không theo quy hoạch sẽ phá vỡ cơ cấu cây trồng của từng địa phương, đặc biệt là không chủ động được đầu ra sẽ ảnh hưởng đến giá cả của sản phẩm và gây ra nhiều hệ lụy sau này.
 
Tùng Lâm

Ý kiến bạn đọc