Phát huy hiệu quả nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ
Là một trong 10 địa phương dẫn đầu về nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) trong cả nước, trong những năm qua, Đắk Lắk đã tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở những vùng khó khăn của tỉnh.
Tính đến thời điểm này, Đắk Lắk đã tiếp nhận và triển khai thực hiện 99 khoản viện trợ với tổng giá trị là 26,1 triệu USD. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 khoản viện trợ được thực hiện với tổng vốn cam kết 11,726 triệu USD do 19 tổ chức nước ngoài tài trợ, tập trung vào các lĩnh vực như: y tế, nông nghiệp, hỗ trợ đối tượng khó khăn, nước sạch, phát triển nông thôn tổng hợp và quản trị rừng.
Sự hỗ trợ đầu tư từ tổ chức AP góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Trạm Y tế phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ). |
Triển khai chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2013-2017 của tỉnh, Sở Ngoại vụ đã thường xuyên rà soát nhu cầu và tình hình kêu gọi viện trợ của các địa phương để tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời bổ sung nhu cầu mới vào danh mục kêu gọi của tỉnh và phối hợp với các đơn vị, địa phương vận động viện trợ. Sau đợt rà soát vào tháng 3-2016, danh mục kêu gọi viện trợ PCPNN giai đoạn 2016-2017 của tỉnh hiện có 115 dự án với tổng vốn kêu gọi là 234,9 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng trường học, giao thông nông thôn, nông nghiệp, môi trường, đào tạo nâng cao nhân lực, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo. Hiện nay tỉnh đã giới thiệu dự án cho một số nhà tài trợ quen thuộc như EFD (Bỉ), Esperance (Thụy Sĩ), Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh và gửi danh sách 81 dự án đề nghị Ban Điều phối viện trợ nhân dân hỗ trợ vận động hoặc giới thiệu cho tỉnh các tổ chức phù hợp. Các tổ chức hoạt động viện trợ PCPNN có chương trình, dự án tại Đắk Lắk thường thông qua các cơ quan của tỉnh làm đối tác thực hiện. Hầu hết các dự án đều được triển khai đúng theo kế hoạch và được đánh giá là tiếp cận có hiệu quả trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, tăng cường năng lực quản lý cũng như các hoạt động sản xuất của người dân, góp phần nâng cao chất lượng sinh kế cho người nghèo, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa. Việc quản lý đầu tư các dự án từ nguồn viện trợ PCNNN đảm bảo đúng quy định, không có thất thoát, lãng phí, phát huy được hiệu quả của dự án; đồng thời, thông qua quản lý, triển khai các dự án trên, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý dự án được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công việc.
Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn viện trợ PCPNN đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao chất lượng đời sống của một bộ phận dân cư ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Một số tổ chức phi chính phủ đã có nhiều dự án có hiệu quả trên các lĩnh vực, vùng miền của tỉnh như: The Atlantic Philanthropiess (Mỹ), ActionAid International (Quốc tế), Pathfinder International – BM043/UB-ĐD, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới quốc tế - CIAT, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế – IFAD…
Để tiếp tục thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn viện trợ PCPNN, năm 2016, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút, vận động ở các lĩnh vực ưu tiên như: phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giáo dục - đào tạo và dạy nghề; phát triển nông thôn; giải quyết các vấn đề xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng ... Đồng thời, duy trì, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các tổ chức đang hoạt động tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc