Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cần những giải pháp chiến lược
Trong những năm qua, Đắk Lắk đã có nhiều chủ trương, chính sách triển khai ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp và đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC là cả một quá trình lâu dài và cần những giải pháp chiến lược...
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp và theo định hướng, nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực, trong những năm qua Đắk Lắk đã có những chủ trương, chính sách triển khai ứng dụng CNC trong nông nghiệp qua việc đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 đơn vị sản xuất cây giống lâm nghiệp, năng lực sản xuất từ 4,5 - 7,5 triệu cây giống/năm; trong sản xuất cà phê, đã ứng dụng kỹ thuật trong vườn ươm để sản xuất các loại giống kháng sâu bệnh và cho năng suất cao, sử dụng phân bón sinh học, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước... Toàn tỉnh hiện có khoảng 20% tổng diện tích cà phê được cấp chứng nhận cà phê chất lượng như: Common code for the coffee community (4C), UTZ Certified (UTZ), RainForest. Bên cạnh giống cây trồng, các giống vật nuôi như heo, bò, dê, cá cũng đang được tỉnh quan tâm ứng dụng CNC trong việc phát triển; trong đó có thể kể đến là việc đưa các loại cá nước lạnh vào nuôi thành công tại huyện Krông Bông và Lắk với hơn 414.950 con cá tầm, sản lượng hằng năm đạt khoảng 673-800 tấn...
Các chuyên gia kinh tế, nhà ngoại giao nước ngoài tìm hiểu về các sản phẩm nông nghiệp của Đắk Lắk. |
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô 30 ha tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNC trên diện rộng nhằm sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất lên trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; sẽ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên cây cà phê với diện tích 40.000 ha, hồ tiêu 3.000 ha, bơ 3.000 ha, lúa lai F1 840 ha, ngô cao sản 46.000 ha, rau an toàn 1.000 ha; nâng tỷ lệ chăn nuôi tập trung tại trang trại công nghiệp, bán công nghiệp so với tổng đàn lên 50-60%...
Cần những giải pháp chiến lược
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại phiên thảo luận “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên và nâng cao chuỗi giá trị nông sản” trong Chương trình “Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn” khu vực Tây Nguyên tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột mới đây, những kết quả đạt được trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của Đắk Lắk mới chỉ là bước đầu và vẫn còn nhiều khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ lẻ còn nhiều; thiếu các nhà đầu tư có tiềm lực để hỗ trợ, giải quyết vấn đề liên kết trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC trong nội tỉnh và liên kết với cả vùng; còn lúng túng trong việc lựa chọn, kế thừa các thành tựu khoa học CNC ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh đó là những thách thức về sự cạnh tranh của thị trường nông sản cả trong và ngoài nước sẽ càng khốc liệt hơn. Do vậy, sản xuất nông nghiệp cần phải được tiêu chuẩn hóa theo yêu cầu của thị trường, phải không ngừng hợp tác và cải thiện để phát triển mạnh về số lượng, tiến bộ rõ về chất lượng. Mặc khác, sản xuất khối lượng sản phẩm lớn đạt yêu cầu cao và ổn định về chất lượng sản phẩm sẽ đặt ra thách thức lớn là phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo mô hình mới. Mô hình sản xuất này đòi hỏi phải ứng dụng kỹ thuật và công nghệ trên diện rộng, vốn đầu tư lớn, do đó kiểu sản xuất nhỏ của các nông hộ riêng lẻ hiện nay sẽ phải thay đổi...
Những khó khăn, hạn chế còn tồn tại cùng những thách thức nêu trên đòi hỏi cần phải có những giải pháp chiến lược. Phát biểu tại phiên thảo luận về phát triển nông nghiệp CNC, ông Y Dhăm Ênuôl với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (nay là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) cho biết: Để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và nâng cao chuỗi giá trị nông sản, tỉnh đã đưa ra những giải pháp cụ thể: Thứ nhất là giải pháp về thị trường, đó là việc phải thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường; xác định thị trường chiến lược cho từng ngành hàng và ký các cam kết để bảo đảm rủi ro thấp nhất. Thứ hai là giải pháp về xây dựng và phát triển thương hiệu, với việc xây dựng thương hiệu của từng sản phẩm để bảo hộ và nâng cao giá trị gia tăng cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng thương hiệu. Thứ ba là giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư công nghệ. Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp về nhiều khía cạnh như thời gian thuê đất, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để họ quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp; đặc biệt là việc hợp tác giữa doanh nghiệp với nghiên cứu tư vấn là hết sức cần thiết để thúc đẩy lĩnh vực này. Thứ tư là giải pháp về hỗ trợ xây dựng tổ chức nông dân và hiệp hội ngành hàng. Nhà nước cần hỗ trợ để hình thành các hình thức hợp tác của nông dân như nhóm sở thích, hiệp hội, HTX theo từng ngành hàng cụ thể. Các tổ chức nông dân và hiệp hội sẽ cùng với doanh nghiệp đưa ra giải pháp về tổ chức chuỗi giá trị, giải pháp về quản lý chất lượng và giải pháp quản trị thương hiệu theo chuỗi, xây dựng kênh phân phối marketing sản phẩm, quản lý và chia sẻ rủi ro theo chuỗi...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc