Xã hội hóa quản lý chất lượng nông sản
2016 được xác định là năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu chính là ngăn chặn, xử lý dứt điểm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản...
Từ chuyện măng nhiễm vàng ô
Ngày 4-5, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tiêu hủy 400 kg măng muối của 2 tiểu thương Nguyễn Thị Duyên và Nguyễn Thị Bảy được bày bán tại chợ Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Nguyên nhân là qua kết quả phân tích, kiểm tra cho thấy, lô măng muối trên có chứa chất Auramine O (hay còn gọi là chất vàng ô), một chất phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng. Theo lời khai của 2 tiểu thương này, số măng trên được mua từ bà Phạm Thị Cúc, thôn 7, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Do đó, để làm rõ vấn đề, ngày 6-5-2016, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Quảng Nam có công văn đề nghị Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đắk Lắk phối hợp kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Người dân tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân (TP. BMT) chăm sóc vườn rau. |
Sau đó, làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, bà Phạm Thị Cúc thừa nhận: tháng 1-2016 có bán một tấn măng U (măng củ) - được mua từ bà Đỗ Thị Huỹnh (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) - cho bà Nguyễn Thị Duyên mà không bỏ thêm bất kỳ hóa chất gì vào sản phẩm. Theo lời khai của bà Cúc, đoàn kiểm tra tiếp tục đến cơ sở sản xuất măng muối của bà Đỗ Thị Huỹnh kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thì chủ cơ sở xác nhận vào tháng 1-2016 có xuất bán một tấn măng cho bà Phạm Thị Cúc. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này còn 3 tấn măng le và 6 tấn măng muối. Quan sát sản phẩm măng muối bằng mắt thường cho thấy màu sắc bình thường. Đoàn kiểm tra lấy ngẫu nhiên 1 mẫu măng muối để gửi đi phân tích kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (Quatest 2) Đà Nẵng và cho kết quả âm tính với vàng ô. Như vậy, chưa đủ cơ sở để xác định được bà Phạm Thị Cúc thôn 7, xã Hòa Lễ hoặc bà Đỗ Thị Huỹnh sử dụng chất vàng ô để ngâm ủ măng muối. Do đó, phía Đắk Lắk đề nghị Chi cục Quảng Nam tiếp tục theo dõi, điều tra nguyên nhân việc sử dụng chất vàng ô của các hộ tiểu thương trên địa bàn quản lý.
Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết, từ câu chuyện trên cho thấy, để hạn chế sản phẩm nông, lâm thủy sản không bảo đảm chất lượng có mặt trên thị trường thì giải pháp triệt để là giám sát chất lượng từ khâu sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, lâu nay, các địa phương cũng thường xuyên phối hợp với nhau trong công tác quản lý chất lượng nông sản, tuy nhiên, hoạt động thanh, kiểm tra còn mất nhiều thời gian và thiếu hiệu quả do thiếu sự hỗ trợ của các đơn vị đủ năng lực kỹ thuật tại chỗ.
Cần có “trọng tài” kiểm định chất lượng nông sản
Đắk Lắk có tổng sản lượng lương thực hằng năm hơn 1 triệu tấn, thịt hơi 80.000 tấn, thủy sản 40.000 tấn. Cùng với đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản để xuất khẩu, nên số lượng sản phẩm có nhu cầu kiểm tra chất lượng ngày càng lớn. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm, khi có thông tin về sản phẩm gây mất an toàn, người dân rất muốn các cơ quan quản lý kịp thời điều tra, xác minh thu thập thông tin, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm và xử lý cá nhân, cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, việc phân tích, kiểm nghiệm sản phẩm để làm cơ sở xử lý những trường hợp vi phạm đang gặp nhiều khó khăn, bởi lực lượng, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ còn hạn chế; việc kiểm tra bằng phương pháp cảm quan ở một số chỉ tiêu không cho kết quả chính xác để kết luận sản phẩm đạt chất lượng hay không.
Chọn mua măng tươi tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Ảnh: Thanh Hường |
Trước bất cập trên, Sở NN-PTNT đã đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng phòng kiểm nghiệm, kiểm chứng và chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản Đắk Lắk. Theo đó, sẽ xây dựng phòng kiểm nghiệm vi sinh vật đạt độ an toàn sinh học cấp II; phòng kiểm nghiệm hóa lý đạt quy định an toàn hóa học và hệ thống phòng thử nghiệm cấp độ I gồm phòng lấy mẫu, xét nghiệm vi sinh vật, lý hóa, pha chế môi trường và xét nghiệm kỹ thuật cao. Dự án này dự kiến xây dựng tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng, với các chức năng kiểm tra, chứng nhận, giám định chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, vật tư nông nghiệp; tư vấn thực hành sản xuất tốt và đánh giá, chứng nhận hệ thống chất lượng ISO, GAP, HACCP... Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phòng kiểm định chất lượng được xây dựng sẽ kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và bảo đảm an toàn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Có thể nói, đề xuất này là rất cấp thiết, kế hoạch ban đầu, kinh phí thực hiện là sử dụng nguồn ngân sách; tuy nhiên, do ngân sách Nhà nước còn khó khăn nên đã kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Do đó, rất cần thiết có cơ chế chính sách ưu đãi (miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập trong những năm đầu, cho vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển...) để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư cho công tác kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thừa nhận, hiện vẫn còn những “khoảng trống” về quản lý Nhà nước đối với nông sản. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh đơn vị kiểm định đủ năng lực kỹ thuật, cũng cần xem xét thành lập một đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, không chồng chéo nhiệm vụ giữa các ngành và được trang bị công cụ hỗ trợ; bổ sung nguồn nhân lực để thực hiện việc quản lý từ gốc; đồng thời, xem xét cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ sản xuất an toàn không những đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã mà cả với tổ hợp nông nghiệp và nông dân nghèo.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc