Multimedia Đọc Báo in

Để niềm vui trọn vẹn!

12:45, 03/08/2016

Đến nay, 186 cầu treo thuộc Đề án xây dựng cầu treo dân sinh bảo đảm an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa đi lại thuận tiện, an toàn. Tuy nhiên, niềm vui vẫn chưa trọn vẹn vì một số cầu chưa có đường kết nối 2 đầu.

Triển khai Đề án này, Đắk Lắk được xây dựng 9 cầu tại các huyện: Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Ana, Krông Bông và thị xã Buôn Hồ. Mặc dù bàn giao đã lâu, song đến nay, người dân một số địa phương vẫn không thể cho phương tiện lưu thông trên cầu vì không có kinh phí làm đường. Thực tế, để bê tông hóa đường 2 đầu cầu kinh phí có thể lên đến hàng tỷ đồng, trong khi điều kiện ngân sách cấp huyện còn khó khăn, địa phương có thể linh động trong việc huy động người dân hiến đất, doanh nghiệp đóng góp vật liệu và các tổ chức đoàn thể tham gia ngày công làm đường. Trước mắt, chỉ cần cấp phối, rải đá mạt hoặc xà bần để bảo đảm việc đi lại của người dân, niềm vui có cầu mới sẽ trọn vẹn hơn.

Trước đây, cách làm này cũng đã được thực hiện khi triển khai Dự án thí điểm xây dựng 100 cầu nông thôn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, trong đó, Đắk Lắk được xây dựng 10 cầu. Để bảo đảm khi cầu hoàn thành, đường 2 đầu cầu được kết nối, Tỉnh Đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các chi đoàn cơ sở nơi có các công trình đi qua thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Còn khi triển khai xây dựng 186 cầu treo dân sinh lần này, ngay từ khi phê duyệt Đề án (theo Quyết định số 1906/QĐ-BGTVT ngày 20-5-2014 của Bộ Giao thông Vận tải) đã nêu rõ: Công tác GPMB, Bộ giao cho UBND các huyện, thị xã, các xã, thị trấn có công trình được đầu tư xây dựng phối hợp với chủ đầu tư (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) vận động nhân dân hiến đất, làm đường giao thông kết nối 2 đầu cầu, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trong khu vực xây dựng công trình.

Mặc dù, chủ trương từ đầu đã chỉ rõ trách nhiệm của các bên liên quan, song đến khi công trình được bàn giao, một số địa phương vẫn gửi văn bản đề nghị Sở GTVT kiến nghị với tỉnh bố trí kinh phí làm đường, cho đến khi có công văn trả lời thì chính quyền sở tại (cấp huyện) mới chịu bố trí kinh phí để làm đường. Tuy vậy đến thời điểm này, vẫn còn 1 cầu tại thôn 2, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) chưa có đường vào, buộc người dân phải bỏ xe bên này cầu, và “đi nhờ” trên đất trồng hoa màu của hộ khác ở bên kia cầu...

Qua đây có thể thấy, nếu địa phương vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào kinh phí của tỉnh hoặc bộ, ngành thì nguy cơ công trình cầu treo tiền tỷ sẽ “treo” vì không có đường vào. Trong khi đó, chỉ cần chủ động triển khai, thì việc vận động người dân hiến đất, tham gia ngày công để làm đường 2 đầu cầu là không quá khó đối với chính quyền cấp huyện, xã bởi đây là công đoạn cuối cùng mà người dân chờ đợi.    

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.