Lại thấp thỏm nỗi lo tăng lãi suất!
Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã rất nỗ lực trong việc giữ ổn định lãi suất, nhưng diễn biến thị trường thời gian gần đây và đặc biệt là tính chất mùa vụ trong những tháng cuối năm có thể sẽ gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Trong những tháng đầu năm 2016, kinh tế của tỉnh đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cơ bản phục hồi và nhất là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn ước thực hiện 25.779 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đã góp phần giúp tốc độ tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao. Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đến hết tháng 7-2016, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 61.560 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ có dấu hiệu chuyển dịch mạnh sang trung, dài hạn với 29.492 tỷ đồng, chiếm 47,9% tổng dư nợ cho vay, tăng 12,3% so với đầu năm. Cùng với đó, dòng vốn tiếp tục hướng vào phục vụ sản xuất, kinh doanh khi kết quả cho vay doanh nghiệp được 18.584 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm, chiếm 30,18% tổng dư nợ toàn địa bàn với hơn 2.907 lượt doanh nghiệp vay vốn. Cho vay nông nghiệp, nông thôn trên 24.893 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm, chiếm 40,4% tổng dư nợ toàn địa bàn với hơn 155.295 lượt khách hàng vay vốn.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk. |
Để đáp ứng nhu cầu vốn, các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ sẽ có nhu cầu vốn rất lớn. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, huy động vốn tại chỗ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang chiếm tỷ trọng lớn. Do vậy sẽ không loại trừ khả năng diễn ra một “cuộc đua” lãi suất huy động, đẩy giá trị “đầu vào” của dòng vốn lên. Thực tế là các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đã liên tục tăng lãi suất huy động và lãi suất huy động đến 8% hiện nay không phải là hiếm. Theo đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, mặc dù niêm yết lãi suất huy động chỉ dưới 7,5%, nhưng ngân hàng này vẫn sẵn sàng áp dụng lãi suất đến 8% với những khoản tiền gửi lớn, có kỳ hạn dài. Với lãi suất “đầu vào” như vậy, việc tăng lãi suất cho vay là điều rất dễ xảy ra. Một yếu tố quan trọng khiến lãi suất tăng đó là lạm phát. Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã bày tỏ lo lắng về việc khó duy trì mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, xu hướng ở Việt Nam lãi suất rất nhạy cảm với lạm phát khi lạm phát có xu hướng gia tăng. Điều đáng lo ngại là trong các báo cáo của Chính phủ mới đây đều nhận định lạm phát đang có xu hướng tăng dần.
Những tháng cuối năm được xem là “mùa tín dụng” khi nhu cầu vốn luôn ở mức cao. Và với diễn biến thị trường như trên, người đi vay lại tiếp tục nhấp nhỏm với nỗi lo tăng lãi suất…
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc