Multimedia Đọc Báo in

Gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu có xu hướng giảm

08:50, 09/08/2016

Tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu từng là vấn đề “nóng”, gây nhức nhối cho cơ quan chức năng lẫn người tiêu dùng (NTD) địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, gần đây qua sự nỗ lực thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng, tình trạng trên đã được kiểm soát đáng kể.

Toàn tỉnh hiện có 470 đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 6 tổng đại lý phân phối. Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực của tỉnh, hiện nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã từng bước đi vào nền nếp, góp phần ổn định thị trường. Riêng tình trạng gian lận thương mại bằng cách tác động vào phương tiện đo lường để làm sai số theo hướng có lợi cho người bán đã giảm đáng kể. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan chức năng của tỉnh qua công tác thanh, kiểm tra chỉ phát hiện 2 vụ gian lận về đo lường, phạt hành chính 120 triệu đồng. So với cùng thời điểm của năm 2015, giảm 7 vụ, số tiền phạt giảm trên 8 lần (6 tháng đầu năm 2015, riêng số tiền phạt qua xử lý vi phạm về đo lường trên 1 tỷ đồng).

Đoàn liên ngành thường trực của tỉnh tiến hành kiểm tra điều kiện kinh doanh xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu Hồng Lợi, xã Ea Lê, huyện Ea Súp.
Đoàn liên ngành thường trực của tỉnh tiến hành kiểm tra điều kiện kinh doanh xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu Hồng Lợi, xã Ea Lê, huyện Ea Súp.

Đợt tăng cường kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh mới đây nhất, Đoàn liên ngành thường trực của tỉnh bất ngờ kiểm tra các cửa hàng, đại lý tại hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp cho thấy, hầu hết các DN ở đây đều chấp hành niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, có đủ giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, đại lý bán lẻ xăng dầu đăng ký hệ thống phân phối với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền… Điều đáng nói là tại 5/5 điểm kiểm tra đoàn đều tiến hành đong bình chuẩn tại các cột đo nhiên liệu và không phát hiện hành vi gian lận về dung tích đo lường. Ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh cho biết, qua thực tế công tác thanh, kiểm tra gần đây tại nhiều cây xăng, dầu ở các địa phương trong tỉnh cho thấy, những đối tượng được kiểm tra đều chấp hành khá tốt về đo lường khi bán xăng, dầu cho khách. Tuy nhiên, việc ít phát hiện vi phạm về đo lường không đồng nghĩa với việc tình trạng trên đã chấm dứt mà điều này chứng tỏ công tác thanh, kiểm tra và sức răn đe của chế tài bước đầu phát huy hiệu quả.

Trên thực tế, sau hàng loạt vụ gắn chíp để ăn gian xăng dầu bị phát giác, xử lý mạnh tay trong năm qua đã tạo nên sức răn đe cho các DN hoạt động ở lĩnh vực này. Đặc biệt, Nghị định 97/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (gas) đã khắc phục được những thiếu sót của Nghị định 104/2011/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xăng dầu trước đây. Theo Nghị định 97, nhiều hành vi vi phạm trong đo lường, chất lượng xăng dầu... sẽ bị phạt rất nặng. Riêng đối với hành vi cố tình gian lận xăng khi bán cho khách sẽ bị phạt tiền đến 85 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 25 triệu đồng), tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 1- 6 tháng, tịch thu chứng chỉ kiểm định, phương tiện đo và các thiết bị khác, đồng thời buộc nộp lại ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính.

Kiểm tra cột bơm xăng bằng bình chuẩn tại cửa hàng xăng dầu Ngọc Minh,  thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp.
Kiểm tra cột bơm xăng bằng bình chuẩn tại cửa hàng xăng dầu Ngọc Minh, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp.

Tuy nhiên, về nội dung chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu cũng còn nhiều mặt hạn chế  như việc nhân viên  trực tiếp bán hàng chưa được tập huấn về nghiệp vụ diễn ra khá phổ biến. Tại nhiều trụ xăng trên địa bàn tỉnh, vẫn còn sử dụng người trong gia đình (chưa qua tập huấn về nghiệp vụ) tranh thủ thời gian nhàn rỗi đứng bán xăng cho khách. Theo một cán bộ trong đoàn kiểm tra, việc làm này gây nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Xăng dầu là một trong những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, do đó việc kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này thường xuyên có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần bảo vệ NTD trước nỗi lo gian lận trong đo lường. Cũng theo ông Nguyễn Đào Chí, từ nay đến cuối năm, chi cục tập trung đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát vì đây là thời điểm dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh tăng cao, các vi phạm theo đó cũng diễn biến phức tạp hơn. Thay vì kiểm tra trên diện rộng thì chi cục tiến hành các đợt kiểm tra tập trung, bảo đảm bí mật và yếu tố bất ngờ để “bắt tận tay” các hành vi vi phạm.        

6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan chức năng của tỉnh qua kiểm tra 28 đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã phát hiện 24 vụ vi phạm, tổng số tiền thu được qua xử lý 1,1 tỷ đồng, trong đó, có 2 vụ gian lận về đo lường, còn lại chủ yếu là vi phạm về điều kiện kinh doanh và kinh doanh xăng dầu nhập lậu. Nếu như trước đây, hành vi gắn chíp điện tử IC ăn bớt xăng của khách với mức sai số vượt nhiều lần mức cho phép, lên đến 7-8% (mức cho phép + 0,5%) thì năm nay, cũng hành vi gian lận này, khi phát hiện thường ở mức sai số 2-3%. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.