Nợ đọng xây dựng cơ bản - bài toán chưa có lời giải
Thời gian gần đây, mặc dù tỉnh đã rất nỗ lực trong việc giải ngân nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), nhưng để giải quyết dứt điểm vấn đề này vẫn đang là bài toán khó, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách ngày càng hạn hẹp so với nhu cầu đầu tư phát triển như hiện nay.
Doanh nghiệp muốn bán nợ cho Nhà nước
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) tỉnh lần thứ I năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, trước khó khăn do tình trạng nợ đọng XDCB, một DN đã kiến nghị được bán nợ lại cho Nhà nước. Cụ thể, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Đắk Lắk (52 Lê Duẩn, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đã kiến nghị được bán lại số nợ đọng trên 20 tỷ đồng mà ngân sách Nhà nước chưa thanh toán cho DN này với giá bán thấp hơn giá thành. Giám đốc Công ty Diêu Quang Hùng cho biết, nhiều công trình do đơn vị tham gia xây dựng đã đưa vào hoạt động, nhưng chưa được ngân sách Nhà nước giải ngân, khiến DN gặp rất nhiều khó khăn do không có vốn để giải quyết công nợ, trong đó có nợ đọng thuế. Do vậy, nếu có thể, công ty sẵn sàng bán lại số nợ trên cho Nhà nước với giá bán chỉ còn một nửa để giải quyết những khó khăn trước mắt!
Xây dựng một công trình thủy lợi tại huyện Krông Pắc. |
Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Đắk Lắk mà còn phổ biến ở nhiều công ty xây dựng khác trong toàn tỉnh. Theo giám đốc một công ty xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đến hết năm 2015, ngân sách Nhà nước đang nợ công ty này trên 15 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ đồng ý giải ngân cho công ty 10% số nợ đọng. Với số nợ đọng lớn, công ty này không thể xoay chuyển kịp với số lãi ngân hàng đang đè nặng. Trong khi đó có một tình trạng khá phổ biến khác là nhiều doanh nghiệp xây dựng đã tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2016 để chờ… Nhà nước trả nợ rồi mới tiếp tục hoạt động do không đủ khả năng xoay vòng vốn.
Một công trình đang thi công trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Vì đâu nên nỗi…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Nhà nước đang nợ các doanh nghiệp XDCB trên 1000 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng, gây ra các hậu quả như công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện; nhiều DN xây dựng, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng XDCB tồn tại nhiều năm liền, nhưng nguy hiểm nhất là “tư duy nhiệm kỳ” đang hiện hữu. Theo đó, một nhiệm kỳ mới của một cấp chính quyền thường có một chương trình kế hoạch với tham vọng sau khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ để lại nhiều công trình, dự án xứng tầm. Do đó, việc đầu tư được thực hiện một cách dàn trải, dẫn đến vượt khả năng cân đối ngân sách mà kết quả cuối cùng là nợ đọng XDCB sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Hơn nữa, nhiệm kỳ lãnh đạo mới khi tiếp quản thường ít quan tâm đến việc xử lý số nợ đọng của nhiệm kỳ trước và tiếp tục đi vào vòng xoáy của tư duy nhiệm kỳ để lại và vẫn tiếp tục đầu tư các công trình, dự án mới làm nợ phát sinh càng ngày càng nghiêm trọng thêm. Ngoài ra, như nhận định của UBND tỉnh, còn có tình trạng chủ đầu tư hiện chưa tích cực chủ động giải ngân, chậm lập, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục thanh toán các dự án đã được bố trí vốn, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, dự án hoàn thành quyết toán... cũng là nguyên nhân khiến nợ đọng XDCB tiếp tục chưa có dấu hiệu dừng lại.
Với những gì đang diễn ra, việc xử lý nợ đọng XDCB đang đặt ra hết sức cấp thiết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt, khoa học của cơ quan quản lý Nhà nước.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc