Multimedia Đọc Báo in

Xu thế làm giàu từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

16:15, 17/08/2016

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang trở thành hướng phát triển giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu, giúp gia tăng giá trị sản phẩm góp phần hình thành tập quán canh tác theo hướng nông nghiệp hàng hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Tỷ phú hoa lan từ phương pháp nuôi cấy mô

Chủ nhân của trang trại hoa phong lan với diện tích hơn 2 ha gồm các phòng thí nghiệm nhân giống, khu cấy mô, vườn ươm cây con, trồng cây trưởng thành, khu bảo tồn nguồn gen lan rừng… là ông Phan Trọng Dũng (thôn 8, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột), người “khai sinh” ra hơn 400 giống lan từ phương pháp lai tạo và nuôi cấy mô; trong đó có 20 loài đã được Hiệp hội Lan quốc tế ở Anh công nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ quốc tế.

Các giống hoa lan được trồng ở trang trại của gia đình ông Phan Trọng Dũng (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột).
Các giống hoa lan được trồng ở trang trại của gia đình ông Phan Trọng Dũng (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột).

Đam mê hoa phong lan từ nhỏ, nên mặc dù đã tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc nhưng vợ chồng ông Dũng lại không theo nghề mà gắn bó với các loài hoa lan từ hàng chục năm nay. Ước mơ có được một vườn lan nhỏ và tự mình tạo ra các giống lan để thỏa niềm đam mê đã giúp ông mày mò nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp khoa học, kỹ thuật để tạo nhiều giống hoa lan mới. Do chưa học qua trường lớp về nông nghiệp, nhưng với sự đam mê, chút ít kinh nghiệm nhiều năm chơi lan và đọc nhiều sách báo, tạp chí liên quan đến kỹ thuật nuôi trồng, cấy ghép hoa lan của nước ngoài, năm 2003 ông Dũng đã tự “dựng” phòng thí nghiệm để lai tạo giống lan mới kết hợp từ lan ngoại nhập và lan rừng Việt Nam. Với mục đích ban đầu chỉ để phục vụ thú chơi của bản thân, dần dần các giống lan mới ra đời nhờ phương pháp nuôi cấy mô của ông được nhiều người biết đến và ngày càng đưa vào nhân rộng sản xuất nhờ khả năng sinh trưởng, chất lượng cũng như giá trị kinh tế. Hiện nay, trang trại lan của ông ngoài các giống lan chậu, lan cắt cành còn trở thành địa chỉ cung cấp cây lan giống cho các cửa hàng, trang trại lớn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau... Đặc biệt, ông còn sản xuất độc quyền các mã hàng lan giống cho khách có nhu cầu.

Theo ông Dũng, ưu điểm nổi bật của phương pháp nuôi cấy mô là giúp quá trình sản xuất cây giống nhanh hơn, chủ động về nguồn giống, cây phát triển mạnh, năng suất cao, ít nhiễm bệnh… Từ khi chủ động sản xuất được các giống phong lan để cung cấp ra thị trường đã giúp hạn chế được tình trạng người trồng hoa phải nhập cây giống từ nước ngoài đến khi thu hoạch thì mới phát hiện ra chất lượng, chủng loại cây và màu sắc khi ra hoa không như lời giới thiệu về cây giống trước đó gây nhiều thiệt hại cho người dân. Một điều nữa mà ông luôn trăn trở là việc bảo tồn nguồn gen lan rừng trước thực trạng loài lan này đang bị tận diệt. Dù đang sản xuất và kinh doanh hàng trăm giống lan, nhưng chưa bao giờ ông kinh doanh lan rừng mà chỉ dùng để lai tạo với các loài lan khác để tạo cây giống mới giúp bảo vệ nguồn gen quý hiếm, tự nhiên của lan rừng. 

Ngoài việc áp dụng phương pháp nuôi cấy mô vào sản xuất cây giống, ông Dũng còn ứng dụng công nghệ cao trong việc trồng hoa phong lan như đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống điều khiển nhiệt độ, nước tưới… Nhờ đó, trung bình mỗi năm, trang trại hoa lan cho nguồn thu nhập hơn 1,3 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí; đồng thời ông còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức lương hằng tháng từ 3 - 5 triệu đồng.

Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao

Được triển khai từ năm 2012, mô hình Tổ hợp tác trồng rau an toàn thuộc Hợp tác xã Thuận Hòa, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột)  thu hút 48 hộ dân tham gia trên diện tích 7 ha. Sau khi được chuyển giao các phương pháp khoa học kỹ thuật, các hộ dân trong tổ đều thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, tưới phun mưa, chỉ bón phân chuồng đã hoai mục, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn theo quy định. Được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trung bình mỗi ngày, Tổ hợp tác cung cấp ra thị trường từ 1,5 - 2 tấn rau an toàn. Mặc dù chưa chủ động được đầu ra nên hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm và giá cả rau an toàn vẫn còn là bài toán khó với các hộ dân nhưng với mức thu nhập gần 250 triệu đồng/ha/năm cũng đã phần nào giải quyết được vấn đề nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người trồng rau an toàn so với phương pháp trồng thủ công, truyền thống trước đây.

Nông dân phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nông dân phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mặc dù chưa phát triển mạnh, thế nhưng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được nhiều hộ dân, tổ hợp tác sản xuất đưa vào triển khai thực thực hiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Đó không chỉ là mô hình trồng hoa phong lan của gia đình ông Dũng, ứng dụng trong sản xuất rau an toàn của hàng chục hộ dân ở phường Khánh Xuân mà nhiều hộ dân khác đã ứng dụng vào hoạt động chăn nuôi như mô hình nuôi heo công nghệ cao của hộ ông Phan Thanh Sang ( thôn 8, xã Hòa Thuận) cho thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng mỗi năm; là hộ ông Nguyễn Ngọc Huệ (thôn 3, xã Cư Êbur) với mô hình nuôi heo công nghiệp trên diện tích 2 ha bằng việc thiết kế ô chuồng một cách khoa học, sạch sẽ, phù hợp cho việc chăm sóc heo hằng ngày, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm…

Quả thực, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp việc tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khai thác hợp lý tài nguyên đất, giải quyết công việc làm mà trên hết nó còn đem lại lợi ích rất lớn trong việc phát huy tiềm năng năng suất, chất lượng của cây, con giống; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản  phẩm nông nghiệp, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế. Đây cũng chính là xu thế mới trong phát triển nông nghiệp thời gian tới.          

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.