Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Nhìn từ các chương trình hành động
Để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tỉnh đã tập trung đổi mới công tác vận động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư xã hội vào công cuộc phát triển kinh tế -xã hội của địa phương…
Tín hiệu lạc quan
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh thu hút được 71 dự án (DA) đầu tư, trong đó, 25 DA đã có quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 997 tỷ đồng; 36 DA đang làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư hoặc lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất với tổng số vốn đăng ký gần 2.191 tỷ đồng; 8 DA đang tìm hiểu và chuẩn bị làm thủ tục đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký 22.925 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số DA có quyết định chủ trương đầu tư tăng 3 DA. Bên cạnh đó, tiếp nhận 1 DA đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 0,23 triệu USD, nâng tổng số các DA FDI trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 12 DA với tổng vốn đăng ký 118,89 triệu USD.
Rang xay cà phê bột tại Nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lê Hương |
Thu hút ODA được 7 DA với tổng mức đầu tư 2.120 tỷ đồng, trong đó 3 DA đã được ký Hiệp định. Ngoài ra, đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với nhà tài trợ AFD, JICA và Bộ KH-ĐT để đăng ký nguồn vốn cho DA thoát nước mưa và xử lý nước thải TP. Buôn Ma Thuột (giai đoạn 3), DA nâng cấp Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật, DA đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Dự kiến trong tháng 10-2016, đoàn công tác của tỉnh sẽ làm việc với nhà tài trợ KOICA để đăng ký nguồn vốn cho các DA thuộc lĩnh vực cấp nước, môi trường, y tế.
Cũng trong 9 tháng, có 517 doanh nghiệp (DN) dân doanh đăng ký mới với tổng vốn 2.171 tỷ đồng, tăng 11,6% về số lượng DN, 33,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số số DN của tỉnh đang hoạt động lên 6.237 đơn vị. Trong đó, 55 DN Nhà nước, 6.175 DN dân doanh, 7 DN có vốn đầu tư nước ngoài; 1.062 chi nhánh và 251 văn phòng đại diện của DN trong và ngoài tỉnh.
Tạo môi trường thuận lợi để DN phát triển
Việc cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, thể hiện trong Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. Nhiều giải pháp đã được tỉnh đề ra, trong đó tiếp tục chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai chính quyền điện tử, bảo dảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN… Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 10.000-12.000 DN hoạt động, đóng góp 30-35% tổng sản phẩm xã hội, chiếm 80% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tham gia đóng góp 50-55% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Kiểm tra công tác CCHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Sở Nội vụ. Ảnh: Hoàng Gia |
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã thực hiện ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN. Trong đó, UBND tỉnh cam kết tăng cường hoạt động đối thoại để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn. Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho DN. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh: Đào tạo, tư vấn, thông tin, thị trường... Đồng thời, tạo thuận lợi để DN có thể tham gia góp ý về các quy định, chính sách của tỉnh; bảo đảm 100% các văn bản quy định về cơ chế, chính sách do tỉnh ban hành đều được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng DN; 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và kinh doanh, các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương được công khai tại trung tâm hành chính công các cấp và trên website của các đơn vị, địa phương…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc