Hiệu quả từ các mô hình sản xuất ở Cư Kuin
Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong 2 năm qua huyện Cư Kuin đã xây dựng thành công 18 mô hình phát triển sản xuất trong nông nghiệp.
Trong đó có 5 mô hình đã được triển khai xây dựng từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các Trạm Khuyến nông; 13 mô hình đã được xây dựng từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp huyện và nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Các mô hình được xây dựng cơ bản thành công và đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Một trong những mô hình được đánh giá thành công không chỉ về kinh tế mà còn giải quyết được nỗi lo dịch bệnh là mô hình phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu. Mô hình lần đầu tiên được thực hiện trong năm 2015 do Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin đầu tư và giao cho Trạm Trồng trọt – Bảo vệ thực vật thực hiện với quy mô 2 ha tại hộ gia đình ông Nguyễn Quang Tùng ở thôn 23, xã Ea Ning. Ông Tùng cho biết, kết quả sau 6 tháng thực hiện trên mô hình không xảy ra hiện tượng cây tiêu bị bệnh chết nhanh và nấm Phytophthora trong đất không còn. Thêm vào đó lợi nhuận thu được là hơn 925 triệu đồng/1 vụ, cao hơn so với vụ trước. Từ kết quả trên, năm 2016, Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin tiếp tục triển khai nhân rộng 2 mô hình phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu tại hộ gia đình ông Đoàn Văn Khánh ở thôn 24, xã Ea Ning và gia đình bà Trần Thị Tuyết ở thôn 6, xã Ea Bhôk.
Anh Y Drăng Niê và sản phẩm nấm ăn của gia đình tại buôn Kram, xã Ea Tiêu. |
Đối với mô hình nuôi bò luân chuyển cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng hộ nghèo tại buôn Cư Knao, xã Hòa Hiệp, Phòng NN-PTNT huyện đã hỗ trợ 4 con bò cho 4 hộ đồng bào khó khăn với kinh phí ban đầu 100 triệu đồng. Sau 18 tháng thực hiện mô hình đã cho kết quả khả quan, số lượng bò đã tăng lên 10 con, tiền lãi ước tính gần 55 triệu đồng. Ông Y Nghĩa Bdap ở buôn Cư Knao cho biết, sau 18 tháng được nhận bò đến nay, bò cái của ông đã sinh được con bê thứ 2 và phát triển rất tốt. Trước đây gia đình ông không có nhiều đất, rẫy nên phải đi làm thuê ở Gia Lai. Nay có bò, đời sống kinh tế được cải thiện phần nào, con cái có công ăn việc làm không phải đi làm thuê nhiều như trước kia. Theo đánh giá của cán bộ Phòng NN-PTNT, việc chăn nuôi bò tương đối đơn giản, không đòi hỏi nhiều sức lao động, phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương và phù hợp với cả những người ngoài tuổi lao động, lao động dưới 16 tuổi… Chăn nuôi bò vừa tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp như rơm, cỏ, thân và lá ngô, đậu... vừa là nguồn cung cấp phân bón có tác dụng cải tạo đất và thân thiện với môi trường. Do đó, việc xây dựng mô hình này ngoài hiệu quả về kinh tế xã hội còn mang lại hiệu quả tích cực về môi trường.
Mô hình sản xuất nấm ăn được Trạm Khuyến nông huyện xây dựng vào năm 2014 tại xã Ea Tiêu cũng được đánh giá cao bởi ngoài giá trị kinh tế, nghề trồng nấm còn tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, nhất là người dân tộc thiểu số, tăng nguồn thu nhập cho nông dân, tạo sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng. Mô hình có quy mô 120 m2, gồm 4 hộ gia đình tham gia (30m2/hộ). Anh Y Drăng Niê ở buôn Kram, xã Ea Tiêu cho biết, sau 2 tháng treo 800 bầu phôi nấm sò, gia đình anh đã thu hoạch được 280 kg với giá 17.000 đồng/kg; còn 700 bầu nấm mèo cho thu hoạch 420 kg với giá bán 120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, công lao động, gia đình thu lãi gần 6 triệu đồng. Theo anh Y Dăng, làm nấm tốn ít vốn đầu tư, công chăm sóc mà năng suất, hiệu quả kinh tế lại cao nên gia đình anh dự định dùng tiền lãi thu được để tiếp tục đầu tư. Nhận thấy mô hình sản xuất nấm ăn tại xã Ea Tiêu đã thành công và mang lại hiệu quả cao nên năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục nhân rộng mô hình với quy mô 400 m2 ở 10 hộ dân tại xã Ea Ktur.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho hay, việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình sản xuất trong thời qua đã góp phần mang lại hiệu quả không nhỏ về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để nhân rộng được các mô hình này nhằm mang lại hiệu quả cao hơn nữa rất cần đến những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như sự đồng lòng của bà con nông dân.
Khả Ngân
Ý kiến bạn đọc