Không dễ tìm đồ chơi sản xuất trong nước cho trẻ em!
Trong dịp Tết Trung thu năm nay, dạo một vòng quanh các cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em trên các tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột như Phan Chu Trinh, Y Jut, Xô Viết Nghệ Tĩnh và các chợ truyền thống Trung tâm Buôn Ma Thuột, Tân Thành…, cửa hàng nào cũng thấy bày bán đến hàng ngàn sản phẩm đồ chơi trẻ em sặc sỡ sắc màu, song phần lớn đều có dòng chữ “made in China”. Nhiều chủ cửa hàng cho hay, đồ chơi Trung Quốc khiến khá nhiều khách hàng dè dặt, nhưng tìm đồ chơi Việt để nhập về bày bán, phục vụ thị trường thì quả là không dễ.
Trung thu được coi là cơ hội bán chạy hàng lớn thứ hai trong năm - sau Tết Nguyên đán - đối với mặt hàng này, nhưng thật tiếc là hàng Việt lại hiếm. Chị Trương Lan Phương, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Y Jut cho hay, dịp này cửa hàng nhập về lượng lớn hàng hóa để phục vụ thiếu nhi, nhưng phần lớn là hàng Trung Quốc, dù đã được kiểm định, có dán tem hợp quy, xuất xứ rõ ràng nhưng ít được phụ huynh lựa chọn. Đại diện siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cũng cho biết, đồ chơi Trung Quốc được nhập về theo đường chính ngạch, hợp chuẩn, giá rẻ nhưng gần đây người tiêu dùng (NTD) ít mua nên siêu thị cũng hạn chế nhập về.
Chi cục QLTT tỉnh kiểm tra thị trường Trung thu tại một cửa hàng đồ chơi trẻ em ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Trên thực tế, thị trường đồ chơi dành cho trẻ em khá đa dạng, nhưng hàng do trong nước sản xuất chỉ chiếm một phần khiêm tốn, gói gọn trong vài ba thương hiệu quen thuộc như đồ chơi gỗ của Đức Thành với các sản phẩm xe lắc, con quay…, dù mẫu mã không phong phú bằng hàng nhập khẩu nhưng vẫn được NTD đón nhận. Tuy nhiên, theo chị Vũ Thị Lệ Hoa, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em Hoa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồ chơi Việt được bày bán tại cửa hàng của chị chỉ có khoảng 30 nhãn hàng, mẫu mã khá đơn điệu, các chi tiết cầu kỳ, khó lắp ráp, trong khi đồ chơi Trung Quốc có tỷ lệ bày bán chiếm ưu thế, giá lại rẻ, kiểu dáng, mẫu mã lại được thay đổi liên tục.
Hiện các DN trong nước chỉ mới sản xuất được các loại đồ chơi đơn giản như xe đẩy, bộ xếp hình, thú nhún… còn đối với các loại đồ chơi đòi hỏi công nghệ phức tạp như máy bay chạy bằng bộ điều khiển, ôtô địa hình, búp bê biết khóc… thì hầu như không có.
Người tiêu dùng chọn mua đồ chơi cho con. |
Với NTD thì họ luôn tỏ ra phân vân mỗi khi chọn đồ chơi cho con trẻ, bởi hàng Trung Quốc thì lo ngại mất an toàn, nhưng đồ chơi Việt lại không nhiều và ít hấp dẫn với con trẻ. Chị Phạm Bích Phương, NTD phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, “né” đồ chơi Trung Quốc, chị quay về tìm mua đồ chơi trong nước, song đồ chơi Việt lại chỉ có vài món đơn điệu, mua rồi lần sau… không có gì khác để mua tiếp (!).
Nhiều khách hàng kỹ tính, khi hỏi mua đồ chơi Việt thấy ít mẫu mã họ chuyển sang hỏi mua các loại đồ chơi nhập khẩu của Malayxia, Indonexia… Tuy nhiên, những loại này có giá khá cao, những gia đình khá giả mới có thể mua.
Có thể nói ở phân khúc thị trường đồ chơi dành cho trẻ em, hàng Việt đang bị lấn át, các DN nội vẫn còn khá vắng bóng, khiến người mua phải đỏ mắt tìm, người bán cũng chẳng biết lấy hàng đâu ra để bán. Rõ ràng, nghịch lý này lại chính là cơ hội để DN Việt vươn lên giành lại thị trường nội địa.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc