Nông dân M'Đrắk phát huy nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất
Những năm qua, huyện M’Đrắk đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để bà con nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Việc phát huy nguồn vốn hiệu quả đã góp phần giúp người dân có điều kiện đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Từ tháng 3-2015, toàn bộ 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện M’Đrắk đã có Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) cấp huyện. Trước đây, Chủ tịch UBND cấp xã cũng tham gia các hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở như: chứng thực hồ sơ, xử lý nợ, tham gia các ý kiến về quản lý nợ... song việc tham gia này chưa hợp thức hóa, chưa có sự ràng buộc, vai trò, trách nhiệm chưa cao. Đến nay, khi là thành viên chính thức của Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, Chủ tịch các xã và thị trấn được phân công nhiệm vụ quản lý nguồn vốn ngay tại xã, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban cấp xã và huyện nên công tác chỉ đạo thực hiện chính sách tín dụng ở địa phương kịp thời, hiệu quả hơn. UBND xã đã phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện để các tổ trưởng của các tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia những lớp tập huấn về quản lý nguồn vốn, hướng dẫn người dân sử dụng vốn hiệu quả... Nhờ đó, các tổ đã kịp thời nắm bắt, triển khai và đưa nguồn vốn đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách đúng đối tượng, giúp nguồn vốn phát huy hiệu quả tốt hơn.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị H’Mri Niê (buôn M’Yui, xã Ea Trang, huyện M’Đrắk) đầu tư nuôi heo thịt, có thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. |
Huyện M’Đrắk hiện có 241 tổ tiết kiệm và vay vốn với 8.900 tổ viên. Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015, NHCSXH huyện phối hợp với các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn giải ngân nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi trên 211 tỷ đồng, thông qua 10 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó: chương trình cho vay hộ nghèo theo Nghị định 78/2002 cho 3.209 lượt hộ nghèo vay 72,2 tỷ đồng; chương trình cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định 15/2013 cho 1.110 hộ vay 30 tỷ đồng; chương trình cho vay giải quyết việc làm với 236 dự án vay vốn trên 4,5 tỷ đồng… Song song với đó, để người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức 190 lớp tập huấn kiến thức sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt các loại cây trồng chủ yếu như hồ tiêu, lúa lai, bắp lai… cho 8.385 người; tổ chức 61 hội thảo đầu bờ cho 2.736 người. Có nguồn vốn và kiến thức, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, sử dụng vốn hiệu quả trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh. Nhiều gương điển hình nông dân thoát nghèo nhờ vốn vay như: ông Dương Văn Siệu (thôn 6, xã Krông Á) vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn năm 2015 để chăn nuôi trâu và trồng rừng nguyên liệu, đến nay mô hình của gia đình đang phát triển tốt; gia đình anh Y Don Niê (buôn M’Suốt, xã Krông Jing) với mô hình chăn nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn vay hộ nghèo 30 triệu đồng năm 2013, mang lại thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng; hay mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp và trồng mía của anh Nguyễn Văn Mỹ (thôn 11, xã Ea Pil) giúp gia đình có nguồn thu ổn định, trả dần nguồn vốn vay và trang trải cuộc sống…. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến gia đình anh Trần Đình Dũng (thôn 10, xã Ea Lai). Từng là hộ nghèo của thôn trong nhiều năm, đến năm 2011, được vay 25 triệu đồng từ NHCSXH huyện, anh Dũng quyết định phát triển mô hình vườn – ao – huồng theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu tập trung trồng lúa nước, sắn, nuôi gà thịt, nuôi heo, từng bước tích lũy vốn để đầu tư cây công nghiệp lâu năm như cà phê, tiêu. Sau hơn 5 năm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay gia đình anh đã trả hết nợ và xây dựng thành công mô hình kinh tế phát triển phát triển bền vững, gồm 1.000 m2 đất ruộng, 500 m2 ao cá, vườn tiêu cho thu hoạch trên 1 tấn tiêu khô, chăn nuôi heo, gà… với tổng thu nhập năm 2016 ước đạt khoảng 300 triệu đồng.
Có thể nói, các nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã và đang được nông dân huyện M’Đrắk phát huy hiệu quả, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 33,29% năm 2011 xuống còn 13,05% cuối năm 2015, trung bình mỗi năm số hộ nghèo giảm 549 hộ (4,04%/năm), hộ cận nghèo 197 hộ (1,5%/năm).
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc