Multimedia Đọc Báo in

Tăng độ bao phủ cho hàng Việt ở vùng nông thôn

10:47, 01/09/2016

Tâm lý tin dùng hàng Việt hiện đã trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, để tăng độ  bao phủ, nhất là để hàng Việt bám rễ sâu vào các vùng nông thôn thì  rất cần một chiến lược… dài hơi.

Theo Sở Công thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tỷ trọng hàng Việt được tiêu thụ tăng lên thấy rõ. NTD ngày càng quan tâm đến hàng hóa sản xuất trong nước và tin dùng hàng nội, tâm lý sính ngoại dần được thu hẹp. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định, Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa cho hàng Việt, giúp NTD có cái nhìn rõ nét hơn về các sản phẩm nội, qua đó, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc và hình thành nên văn hóa tiêu dùng mới của người dân “xài hàng Việt là yêu nước”.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) nội đã chiếm được cảm tình của đông đảo NTD, bởi biết tạo dựng thế mạnh riêng cho hàng Việt không chỉ bằng việc tập trung nâng cao chất lượng mà còn chú trọng cải tiến bao bì, mẫu mã làm hấp dẫn hơn cho từng sản phẩm. Gần đây, hàng hóa của các thương hiệu như sữa Vinamilk, bánh Kinh Đô, gốm sứ Minh Long… đã có những mẫu mã bắt mắt hơn với NTD, nhất là vào mỗi dịp lễ, tết... để khách hàng yên tâm chọn mua về sử dụng hay làm quà tặng. Đối với  các DN trong tỉnh, cũng cần phải kể đến các sản phẩm bơm chìm Dafovina, cơ khí Hưng Thịnh, Viết Hiền... Trong chặng đường chinh phục NTD, bơm chìm Dafovina đã tập trung nghiên cứu, thay đổi thiết kế nhiều lần, từ chiếc bơm chìm có vỏ bằng nhôm công suất nhỏ, giá thành cao lại dễ bị hỏng vỏ, đến nay đã chế tạo ra sản phẩm có vỏ bằng vật liệu inox không bị ăn mòn trong các vùng nước mặn, hay vùng nước có độ PH không bình thường với giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và gọn nhẹ đã chiếm được cảm tình của đông đảo NTD.

Người tiêu dùng chọn mua giày dép Việt tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng chọn mua giày dép Việt tại siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Nếu việc thay đổi mẫu mã, bao bì đã chứng tỏ được sự năng động, sáng tạo của nhiều DN Việt  thì sự tập trung đầu tư tìm kiếm thị trường khai thác và phân khúc thị trường bình dân cũng từng bước giúp hàng Việt “soán ngôi” hàng Trung Quốc và ngày càng được đông đảo NTD tin dùng. Nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã có sự phân khúc rõ nét với giá từ cao cấp đến bình dân như Tổng Công ty Cổ phần may Việt Tiến, bên cạnh sản phẩm cao cấp còn cho ra đời dòng sản phẩm may mặc Việt Long có giá hợp lý, phục vụ thị trường trung bình và thấp. Với mặt hàng bánh kẹo của các DN: Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… cũng cho ra đầy đủ các dòng bánh từ sang trọng, thượng hạng như Korento, bánh bơ The story (có giá đến 1 triệu đồng/hộp) cho đến các loại bánh bình dân (chỉ vài chục ngàn/ hộp) như Cracker, quế, bông lan… cũng là nhằm phục vụ rộng rãi cho những  đối tượng khách hàng khác nhau, người thu nhập cao cũng như người thu nhập thấp, từ thành thị đến nông thôn.

Để hàng Việt ngày càng bám rễ sâu ở các vùng nông thôn, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Công thương cũng có nhiều nỗ lực trong việc vận động DN đưa hàng Việt về nông thôn và hỗ trợ DN của tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm để đưa hàng Việt đến tận tay NTD vùng sâu vùng xa với giá cả hợp lý. Giai đoạn 2011-2015, Sở đã tổ chức và hỗ trợ 452 DN tỉnh tham gia 67 hội chợ- triển lãm trong nước và quốc tế, góp phần giúp DN tiếp cận sâu NTD và tăng độ bao phủ cho hàng Việt.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, độ phủ sóng của hàng Việt còn khá khiêm tốn, nhất là tại các chợ truyền thống. Đơn cử như chợ trung tâm Krông Bông, Buôn Đôn... được coi là đầu mối giao thương, cung cấp hàng hóa cho các xã vùng sâu của huyện lại vắng bóng nhiều mặt hàng tiêu  dùng thiết yếu do trong nước sản xuất, nhưng lại là “vùng trũng” để hàng Trung Quốc giá rẻ và hàng giả, nhái, kém chất lượng lấn chiếm.

Trên thực tế, rất nhiều NTD vùng nông thôn có nhu cầu tìm mua hàng Việt chất lượng nhưng không tìm thấy điểm bán hàng tin cậy, trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ, tiệm tạp hóa, chợ ở đây chính là điểm phân phối hàng đến tay NTD khá thuận lợi, nhưng DN trong nước lại chưa tiếp cận được với họ để làm kênh phân phối hàng cho mình. Do vậy, nên chăng DN nội cần tìm hiểu xây dựng chiến lược marketing phù hợp với thị trường nông thôn, trong đó chú ý tăng cường khâu tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng đi kèm với khuyến mại, tặng quà… Đó cũng là một cách để DN Việt tiếp cận và đi sâu hơn vào thị trường này. 

Toàn tỉnh hiện có 146 chợ, 2 trung tâm thương mại, 4 siêu thị. Tỷ lệ hàng Việt được bày bán tại các siêu thị chiếm trên 90%, còn tại các chợ trong tỉnh, hàng Trung Quốc giá rẻ đang dần được loại bỏ, thay vào đó là hàng Việt chất lượng…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.