Multimedia Đọc Báo in

Những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở Ea Ning

10:11, 19/10/2016

Hội Nông dân xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) hiện có 1.006 hội viên sinh hoạt ở 17 chi hội thôn, buôn. Trong thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” được Hội Nông dân xã Ea Ning triển khai hiệu quả; qua đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…

Gia đình ông Trương Văn Thanh (thôn 18) là một trong những hộ vươn lên làm giàu nhờ cây hồ tiêu và cà phê. Năm 2002, sau khi tham gia lớp tập huấn của Hội Nông dân xã về chuyển đổi cây trồng cho năng suất thấp, ông đã chuyển đổi 1,4 ha cà phê già cỗi sang trồng 9 sào hồ tiêu và 5 sào cà phê ghép. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn cây của gia đình ông phát triển tốt và cho năng suất cao. Mỗi năm, gia đình ông Thanh thu hoạch được 6 tấn hồ tiêu khô và 1,5 tấn cà phê nhân, cho thu nhập 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Gia đình ông Lê Tự Lý (thôn 11) cũng là một điển hình tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Ea Ning. Ông Lý nhận giao khoán 0,8 ha cà phê của Công ty Cà phê Chư Quynh từ năm 1987. Đến năm 2008, thấy diện tích cà phê ngày càng già cỗi, năng suất thấp, ông đã quyết định chuyển đổi sang trồng hồ tiêu. Để vườn hồ tiêu cho năng suất cao, ông Lý chịu khó tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc cũng như phòng bệnh cho cây tiêu. Niên vụ năm 2015, gia đình ông thu về 5 tấn hồ tiêu, niên vụ 2016 gia đình ông ước thu được gần 6 tấn hồ tiêu. Ngoài thu  nhập từ vườn tiêu, gia đình ông còn có nguồn thu từ nhận đúc trụ bê tông trồng tiêu cho bà con trong thôn và các xã lân cận. Thu nhập từ hồ tiêu và đúc trụ bê tông của gia đình ông Lý lên tới gần 2 tỷ đồng mỗi năm.

Ở xã Ea Ning còn có rất nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi như ông Thanh, ông Lý. Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ning, để hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân xã Ea Ning đã chú trọng phối hợp tập huấn về khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nông dân; tạo điều kiện cho hội viên vay vốn sản xuất... Cụ thể như, từ đầu năm 2016 đến nay, Hội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm chăn nuôi và Thú y huyện tổ chức được 10 buổi tập huấn, 15 buổi hội thảo về chăm sóc, phòng chống sâu bệnh cho cây trồng với sự tham gia của gần 3.500 lượt hội viên; hỗ trợ nông dân gần 200 tấn phân vi sinh theo hình thức trả chậm; xây dựng Quỹ hội được 720 triệu đồng, qua đó giúp 80 hội viên vay vốn để phát triển kinh tế.       

Với sự hỗ trợ thiết thực của Hội Nông dân, đời sống của các hội viên nông dân đã được cải thiện đáng kể, số hội viên khá, giàu đạt 65 đến 75%. Toàn xã hiện có 400 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, 250 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và 60 hộ hội viên đạt danh hiệu cấp tỉnh.

Mỹ Hằng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.