Du lịch Đắk Lắk trên đà tăng tốc
Báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng của năm 2016 cho thấy du lịch là một trong những điểm sáng của nền kinh tế nước ta với mức tăng trưởng khoảng 25,7% và dự kiến đóng góp cho GDP cả nước khoảng 370.000 tỷ đồng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, với tình hình thực tế như hiện nay, con số này có thể tăng cao hơn nữa - và đây là tín hiệu lạc quan để Chính phủ lấy đó làm cơ sở cho việc tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn mới, trong đó ngành du lịch được đặc biệt chú trọng.
Bức tranh toàn cảnh
Năm 2016, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa với doanh thu khoảng 400.000 tỷ đồng. Những con số đó, tính đến hết tháng 10-2016 đã gần chạm đích và đến cuối năm nay - theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch. Điều đáng nói ở đây là mức tăng trưởng bình quân hằng năm (giai đoạn 2010-2015) của ngành kinh tế này được nhìn nhận là khá “ngoạn mục” với gần 9,5%. Nếu như năm 2010, khách quốc tế đến Việt Nam là 5,05 triệu lượt, khách nội địa 28 triệu lượt, doanh thu chỉ đạt 96.000 tỷ đồng, thì đến năm 2015 con số này tăng lên 7,94 triệu lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách nội địa và doanh thu lên tới 338.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010.
Lễ hội voi kết hợp trình diễn cồng chiêng là sản phẩm đặc thù của du lịch Đắk Lắk. |
Bước sang giai đoạn mới (2016-2020), khi Chính phủ tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, trong đó du lịch được xem là điểm nhấn quan trọng thì mức tăng trưởng sẽ còn cao hơn nữa và đóng góp vào GDP sẽ đáng kể hơn, chứ không còn ở mức 6,6% như hiện nay. Có thể nói trong bức tranh toàn cảnh du lịch Việt Nam đang sáng rõ lên từng ngày như vậy, không tỉnh - thành nào là không quan tâm đến ngành kinh tế quan trọng này - và hầu hết đều có quyết tâm xây dựng, triển khai lộ trình phát triển du lịch cho từng địa phương nhằm tăng nguồn thu và nâng cao vị thế của mình.
Hội nhập và tăng tốc
Với Đắk Lắk, một tỉnh có tiềm năng để phát triển du lịch cũng đang trên đà khởi động và vận hành theo quỹ đạo ấy. Mục tiêu đã được đặt ra: Năm 2016, phấn đấu thu hút khoảng 560.000 lượt khách, năm 2020 trên 1,1 triệu lượt khách và đến năm 2030, con số này là 2,8 triệu lượt khách. Doanh thu từ du lịch cũng sẽ tăng dần qua các năm: 2016 đạt 450 tỷ đồng, năm 2020 khoảng 1.300 tỷ đồng. Mục tiêu này là hoàn toàn có thể, bởi trên thực tế 10 tháng của năm 2016, lượng khách đến Đắk Lắk đã hơn 515.000 lượt người và doanh thu cũng ở mức xấp xỉ 410 tỷ đồng.
Hội voi Buôn Đôn luôn thu hút du khách. |
Có được thành quả ấy, nhiều doanh nghiệp (DN) làm du lịch ở đây cho rằng, họ đã từng bước tự chủ và tạo dựng được lộ trình sản xuất, kinh doanh cho từng đơn vị thông qua một số hoạt động cụ thể như khảo sát tour - tuyến, hình thành sản phẩm, giới thiệu và quảng bá hình ảnh DN… Đặc biệt là vấn đề liên kết, hợp tác để phát triển du lịch trong tỉnh, khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước đã được chú trọng. Theo đó, động lực giúp ngành “công nghiệp không khói” tăng tốc là chính sách, chủ trương về phát triển du lịch Đắk Lắk trong thời gian tới được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Cụ thể như nâng mức đầu tư cho ngành kinh tế này lên 5% trên tổng GDP hằng năm; ưu đãi thu hút đầu tư từ nguồn lực bên ngoài; ban hành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030… Và mới đây, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03 (ngày 4-10-2016) về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, đầu tư thương mại - du lịch (giai đoạn 2016-2020) đã tạo cơ sở pháp lý, cũng như điều kiện và cơ hội thực tiễn kích thích ngành du lịch vươn lên.
Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03 (NQ/TU ngày 4-10-2016) về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, đầu tư thương mại - du lịch (giai đoạn 2016-2020) đã tạo cơ sở pháp lý, cũng như điều kiện và cơ hội thực tiễn kích thích ngành du lịch vươn lên. |
Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện, cơ hội thuận lợi ấy, ngành du lịch Đắk Lắk vẫn còn một số bất cập cần được tháo gỡ, trong đó đáng nói nhất là vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Đơn cử những hoạt động như xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch và hình ảnh DN đừng để họ bị trói buộc, thậm chí nản lòng vì những thủ tục hành chính của các cấp quản lý nhà nước. Tất nhiên, ai cũng biết hoạt động du lịch không thể đứng riêng lẻ, bao giờ cũng liên quan đến các lĩnh vực khác như an ninh, xã hội, văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường… nên rất cần có sự phân định rõ: trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp. Tỷ như việc đầu tư xây dựng một điểm du lịch nào đó thì vấn đề đất đai, tài nguyên nói chung là quyền sở hữu của Nhà nước, các cơ quan chức năng có quyền kiểm tra giám sát, còn việc thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch cũng như hoạch định chiến lược kinh doanh... thì nên để cho DN quyết định. Nhà nước cũng nên trao quyền tự chủ hơn cho các DN, đặc biệt là trong việc kêu gọi, hợp tác đầu tư cũng như lộ trình và chiến lược kinh doanh, giới thiệu và quảng bá thương hiệu. Có như vậy mới hiện thực hóa được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Đắk Lắk với mức đóng góp tương xứng vào nguồn thu nội tỉnh, chứ không không còn ở mức quá thấp với khoảng 2,7% GDP như hiện nay.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc