Multimedia Đọc Báo in

Đừng để đánh mất thương hiệu vì cà phê kém chất lượng

08:50, 27/11/2016

Những năm gần đây, tình trạng cà phê giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng lo lắng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà còn tác động xấu đến những cơ sở làm cà phê truyền thống.

Điều đang khiến nhiều người tiêu dùng mất lòng tin là ngay ở vùng đất thủ phủ cà phê của Việt Nam lại có những cơ sở rang xay, sản xuất cà phê “bẩn”, kém chất lượng, thậm chí là làm giả cà phê để bán tràn lan ra thị trường. Thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã tiến hành hàng loạt các cuộc thanh tra, kiểm tra những cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh, qua đó đã phát hiện không ít các cơ sở sai phạm. Riêng từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh đã tiến hành trên 90 cuộc thanh, kiểm tra, phát hiện ít nhất 9 cơ sở sản xuất cà phê kém chất lượng. Nhiều trường hợp sản xuất cà phê bằng cách phù phép ngô, đậu nành sau khi rang cháy khét, được đem trộn với đường, chất tạo màu caramen, và nhiều loại hương liệu không rõ nhãn mác, nguồn gốc, được xay thành “cà phê” bột và đem đóng gói, phân phối ra thị trường. Chính điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, làm mất niềm tin và đánh mất thương hiệu của xứ sở cà phê.

Ông Bùi Đình Truyện, chủ cơ sở chế biến cà phê bột Hương Giang giới thiệu về sản phẩm cà phê truyền thống nhà mình.
Ông Bùi Đình Truyện, chủ cơ sở chế biến cà phê bột Hương Giang giới thiệu về sản phẩm cà phê truyền thống nhà mình.

Cách đây không lâu, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm tại cơ sở chế biến cà phê bột của ông Nguyễn Đình Q. trú tại thôn 13, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột. Cơ sở này sản xuất cà phê bằng 90% là đậu, ngô, hóa chất và chỉ có khoảng 10% cà phê. Tại đây, cơ quan chức năng đã thu giữ 11 bao đậu nành tổng trọng lượng 250 kg, 33 bao ngô hạt 1.500 kg, 120 kg đậu nành đã rang tẩm hóa chất và 1 bao bột dạng cà phê đã rang xay 30 kg. Theo khai nhận của chủ cơ sở thì thứ cà phê bột kém chất lượng này đã được họ đóng gói, bán ra thị trường với giá dưới 100 nghìn đồng/kg.

Nỗi niềm người làm cà phê truyền thống

Cơ sở chế biến cà phê bột Hương Giang (số 81, Hai Bà Trưng, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những thương hiệu cà phê sản xuất truyền thống nổi tiếng từ hàng chục năm nay. Ông Bùi Đình Truyện, chủ cơ sở cho biết, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cà phê kém chất lượng với giá thành sản xuất thấp, chỉ bằng 1/3 cà phê nguyên chất và bán ra với giá rẻ. Điều này đang khiến sản phẩm cà phê truyền thống mất dần khách. Hiện, số lượng khách mua cà phê Hương Giang giảm khoảng 30% so với những năm trước đây.

Thương hiệu cà phê bột Thanh Bảo (32 Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột) đã có mặt và khẳng định được thương hiệu trên 40 năm, song số lượng sản phẩm bán ra hiện cũng giảm đáng kể so với trước. Bà Quách Thị Miên, chủ cơ sở này chia sẻ, khách hàng đến với cà phê Thanh Bảo chủ yếu là khách quen, những người mua làm quà biếu. Những sản phẩm cà phê kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

 
Cà phê kém chất lượng đang len lỏi trên thị trường, có mặt ở khắp các quán cà phê. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cơ sở sản xuất cà phê chân chính”                                        
 
Ông Bùi Đình Truyện

Có thể nói, qua việc kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng một lần nữa khẳng định thị trường cà phê bột trên địa bàn tỉnh đang có nhiều lỗ hổng lớn trong khâu quản lý. Để hạn chế được nạn cà phê kém chất lượng thì cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê bột làm ăn gian dối. Bên cạnh đó, bản thân từng doanh nghiệp sản xuất cà phê chân chính phải “tuyên chiến” với nạn cà phê “bẩn” bằng cách khẳng định chất lượng, thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài nước, tránh những thiệt hại đáng tiếc cho người tiêu dùng cũng như chính bản thân doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản cho biết, để ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê kém chất lượng, Nhà nước cần đưa ra quy chuẩn, tiêu chí cụ thể đánh giá cà phê có được phép pha trộn ngũ cốc hay không và tỉ lệ pha bao nhiêu là đạt; đưa ra chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe, tránh tình trạng tái diễn của các cơ sở sai phạm. Bên cạnh đó, ngay cả bản thân cơ sở, doanh nghiệp chế biến cà phê cũng cần phải minh bạch, đề cao quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết để đưa ra những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc