Liên kết sản xuất trong nông nghiệp: Cần phát huy vai trò của HTX và doanh nghiệp
Trong sản xuất nông nghiệp, liên kết là xu thế tất yếu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Tại Đắk Lắk, nông dân, HTX và doanh nghiệp (DN) cũng đang tích cực liên kết với nhau để cùng chia sẻ lợi ích.
Nông dân liên kết sản xuất
Đắk Lắk có tiềm năng phát triển một số nông sản hàng hóa theo quy mô lớn như cà phê, tiêu, ca cao… Đây là lợi thế trong việc hình thành, phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp tác giữa các DN, HTX, các hộ sản xuất từ cung ứng các yếu tố đầu vào, sản xuất đến chế biến tạo sản phẩm chất lượng cao và mang đặc trưng riêng của địa phương. Trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình sản xuất theo hình thức liên kết giữa các nông hộ với nhau, tạo thành các tổ, nhóm, câu lạc bộ sản xuất như tổ hợp tác trồng mía (huyện M’Đrắk), trồng ca cao, chăn nuôi bò thịt (huyện Ea Kar), nuôi cá (huyện Lắk) và hàng chục tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ Certified, 4C, Rain Forest Alliance, Fairtrade. Riêng trên địa bàn huyện Cư M’gar, đã hình thành nhiều tổ chức tham gia sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận như HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kiết, HTX Dịch vụ nông nghiệp thương mại công bằng Cư Dliê Mnông, Liên minh sản xuất cà phê bền vững Quảng Hiệp và gần 50 câu lạc bộ sản xuất cà phê bền vững ở các xã, thị trấn.
Vườn ca cao của HTX Thành Đạt, huyện Ea Kar. |
Trong sản xuất rau an toàn, nông dân cũng đã liên kết với nhau thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP như hợp tác xã Thuận Thành (TP. Buôn Ma Thuột), Toàn Thịnh (huyện Cư M’gar) hay các tổ sản xuất rau an toàn tại Ea Kar, Cư Kuin, Krông Pắc… tạo nên những vùng chuyên canh rau an toàn có quy mô lớn. Từ việc sản xuất tự phát, manh mún, tháng 6-2008, những người trồng rau sạch tại tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột đã liên kết lại thành tổ sản xuất rau an toàn. Với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp (Sở NN-PTNT thực hiện), các tổ viên được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, tham quan mô hình trồng rau tại Đà Lạt; đồng thời được hỗ trợ 100 triệu đồng đầu tư xây dựng hệ thống sơ chế, bảo quản rau. Ông Trần Đình Trọng, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn cho biết, hiệu quả của việc liên kết là bà con có thể hỗ trợ nhau về kỹ thuật, nguồn vốn và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, rau sản xuất ở đây được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP nên dễ dàng tiêu thụ với số lượng lớn trên thị trường, thu nhập của người dân tăng hơn trước.
DN và HTX cần “bắt tay nhau”
Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, trên địa bàn hiện có hơn 5.000 tổ hợp tác, 365 HTX, trong đó có 183 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết nên nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Do đó, việc liên kết giữa các HTX và DN theo quy trình từ sản xuất, chế biến đến xây dựng nhãn hiệu và tiêu thụ hàng hóa nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững là nhu cầu thiết thực, đòi hỏi các bên phải cùng bắt tay thực hiện trên cơ sở cùng có lợi.
Thành viên Tổ sản xuất rau an toàn phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch rau. |
Từ nhiều năm nay, HTX dịch vụ nông nghiệp công bằng Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar đã liên kết với các DN để sản xuất cà phê theo chứng nhận Fairtrade. Theo đó, các thành viên HTX được tập huấn khoa học kỹ thuật về chăm sóc, thu hoạch cà phê, các biện pháp canh tác bền vững trong sản xuất và nguyên tắc thương mại công bằng. Nhờ đó, sản phẩm đạt chất lượng cao, giá bán cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường từ 2.500 – 3.000 đồng/kg; HTX cũng như các thành viên được hưởng lợi nhiều hơn. Theo ông Nguyễn Đình Hào, Giám đốc HTX, lợi ích của việc liên kết là HTX có thị trường ổn định qua việc ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho DN; đồng thời, các thành viên dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ từ phía DN.
Về phía các DN, thời gian gần đây, họ cũng chú trọng vào việc liên kết với các HTX trong sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như Công ty TNHH Cà phê Dakman Việt Nam hiện đang liên kết sản xuất cà phê bền vững với 12 HTX và 10 tổ hợp tác trên vùng nguyên liệu rộng có diện tích 5.000 ha. Theo đó, DN hỗ trợ tập huấn công nghệ, hướng dẫn cách chăm sóc vườn cây cho xã viên và cam kết bao tiêu sản phẩm cho các HTX. Nhờ mối liên kết này, DN có nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng tốt phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, Đắk Lắk có 2 sản phẩm được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ theo chương trình chuỗi giá trị nông sản phẩm của HTX là cà phê của HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết, huyện Cư M’gar và ca cao của HTX nông nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ ca cao, huyện Ea Kar. Tuy nhiên, bên cạnh việc liên kết với nhau, các DN, HTX cần chú trọng việc chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu để tăng giá trị của hàng nông sản địa phương.
Trong chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm cà phê tại Đồng Nai, Liên minh HTX tỉnh vừa tổ chức nhằm kết nối DN, HTX 2 tỉnh trong sản xuất, tiêu thụ cà phê, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, đặc biệt là các hợp đồng cung ứng cà phê của các HTX Đắk Lắk cho DN Đồng Nai. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc